Cần chú trọng công tác tư vấn tâm lý học đường

Khi quá áp lực vì học tập, vì không đáp ứng được sự kỳ vọng quá lớn từ phía gia đình nhiều em học sinh đã lựa chọn 'giải pháp' dại dột là tự tử để giải thoát. Trước thực trạng này, chuyên gia tâm lý đã có những phân tích và lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh và nhà trường.

Những ngày này, dư luận lại một lần nữa xôn xao với câu chuyện giáo dục trước sự việc một em học sinh lớp 10 tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã gieo mình tự tử từ tầng 4 xuống sân trường trước sự chứng kiến của các thầy cô và học sinh trong trường. Trước đó, em đã để lại bức thư tuyệt mệnh nói rằng vì quá áp lực trong học tập, điểm số và không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình nên đã quyết định tự tử.

ThS. Đàm Thị Vân Anh, Giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đáng buồn hơn, khi thực hiện thao tác tìm kiếm trên mạng Internet với nội dung “học sinh tự tử”, ngay lập tức có hàng triệu kết quả được đưa ra. Đó thực sự là những “con số biết nói”, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và toàn ngành giáo dục.

Trước những sự việc đau lòng đó, trao đổi với PV Báo Lao động Thủ đô, ThS Đàm Thị Vân Anh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, vấn đề học sinh tự tử vì áp lực học tập là điều không hiếm ở trên thế giới bởi sự yêu cầu quá cao và áp lực về cuộc sống tự mưu sinh sau này. Điều này có thể hiểu đơn giản là nếu như bạn không cố gắng học thì sau này bạn không thể có chỗ đứng trong xã hội, cuộc sống sẽ khổ cực, nghèo khó.

Chính vì áp lực này cũng như từ sự kì vọng của cha mẹ dẫn đến các em bị cuốn vào lịch trình học tập quá dày đặc, không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi; không có sự chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Và khi các bạn không đạt được thành tích như mong muốn thì bị trách mắng, buồn bực, lâu ngày không được giải tỏa dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực nên các em đã tìm đến cái chết.

Theo ThS Đàm Thị Vân Anh, sở dĩ học sinh lựa chọn giải pháp dại dột là tự tử để giải thoát, ngoài nguyên nhân do áp lực học tập, không đáp ứng được sự kì vọng quá lớn từ gia đình thì có một nguyên nhân rất quan trọng là do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Hầu hết các em đều trong độ tuổi dậy thì, giai đoạn mà có sự khủng hoảng lứa tuổi rất lớn. Các em trong độ tuổi này có nhu cầu khẳng định bản thân cao, cái tôi lại lớn, hay hành động theo cảm tính và không nghĩ đến hậu quả sau đó.

Cũng trong độ tuổi này, nhiều em có sự khép kín, sống nội tâm, không dễ chia sẻ suy nghĩ với người khác (hoặc có thể do các em thấy không có người hiểu mình, không có người muốn lắng nghe mình,…); không bộc lộ cảm xúc ra nên cha mẹ, thầy cô không để ý và khó nhận biết rằng các em đang gặp vấn đề. Vì thực tế, nhiều em vẫn học giỏi, đi học bình thường, không biểu lộ bất cứ điều gì gọi là “có vấn đề” cả.

Nhiều học sinh lựa chọn giải pháp tự tử để giải hoát khỏi áp lực học tập. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cũng cần kể đến nguyên nhân nữa là do các em chưa đủ kinh nghiệm sống, chưa có những kĩ năng ứng phó với các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong các mối quan hệ (với bạn bè, thầy cô, gia đình,…); chưa biết vượt qua những áp lực,… dẫn đến hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ và cũng có thể do các em bị ảnh hưởng xấu của mạng xã hội, internet, các trò game bạo lực,…

Từ thực tế và những nguyên nhân trên, theo ThS Đàm Thị Vân Anh, nhà trường không nên vì bệnh thành tích mà tạo áp lực cho học sinh. Cha mẹ cũng hãy hiểu và làm bạn với con nhiều hơn, chia sẻ và lắng nghe các em để cùng động viên, khích lệ con; đồng hành cùng con vượt qua áp lực cuộc sống và khủng hoảng lứa tuổi để tránh xảy ra những sự việc đau lòng.

“Tôi rất muốn nhấn mạnh đến vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường. Các bậc phụ huynh, thầy cô phải là những chuyên gia tâm lý; nhưng để thực sự đảm bảo sự tác động sâu và những sự hỗ trợ kịp thời có tính chuyên môn cao thì mỗi nhà trường cần có những phòng tâm lý học đường và chuyên gia tâm lý trường học làm việc tại đó. Những chuyên gia này được đào tạo cơ bản về vấn đề tâm lý học sinh, về vấn đề phòng ngừa, phát hiện và kịp thời hỗ trợ các em bất cứ lúc nào khi các em cần.” – ThS Đàm Thị Vân Anh chia sẻ.

Mong rằng các em học sinh sẽ được thoải mái sống đúng với độ tuổi hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò, không phải chịu áp lực học hành, được vui chơi, được chia sẻ, được lắng nghe và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-chu-trong-cong-tac-tu-van-tam-ly-hoc-duong-71965.html