Cần chọn những người dám làm, dám chịu trách nhiệm

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương (ảnh bên) chia sẻ những điểm mới của quá trình triển khai công tác cán bộ khóa XIII của Đảng và những suy ngẫm về các giải pháp để không lọt những người có biểu hiện cơ hội, xu nịnh, chạy chọt, mị dân vào bộ máy.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương (ảnh bên) chia sẻ những điểm mới của quá trình triển khai công tác cán bộ khóa XIII của Đảng và những suy ngẫm về các giải pháp để không lọt những người có biểu hiện cơ hội, xu nịnh, chạy chọt, mị dân vào bộ máy.

Với tư cách một người đã từng nhiều năm làm công tác tổ chức, ông đánh giá thế nào về thế hệ cán bộ vừa được bầu vào các cấp ủy địa phương khóa mới?

Tôi nhận thấy thế hệ cán bộ vừa được bầu vào cấp ủy địa phương có nhiều điểm sáng. Đó là nhiều cán bộ nữ được bầu giữ các trọng trách ở cấp ủy, nhiều nữ cán bộ được bầu giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy. Nhiều cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy các địa phương. Đã xuất hiện một thế hệ bí thư tỉnh ủy 7X và cuối 7X - độ tuổi tương đối trẻ chứ chưa thật trẻ. Muốn có cán bộ trẻ giữ trọng trách cao tôi nghĩ chúng ta cần có những chính sách để tạo những bước thăng tiến đột biến cho những người thật sự tài đức, không nên tuần tự như tiến.

Thế hệ cán bộ thời kỳ này thuận lợi hơn thế hệ trước là họ được đào tạo cơ bản, phần lớn trên đại học, chí ít cũng qua đại học. Bên cạnh mặt mạnh này, họ đã qua rèn luyện từ những lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, như trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quân ngũ... Tính dân chủ trong hoạt động thực tiễn được đề cao, tất cả cán bộ lên đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương, họ phải trải qua sự giám sát, đặc biệt là sự giám sát của nhân dân. Cán bộ ở một khu dân cư nào thì đều phải trải qua sự giám sát của người dân nơi đó.

Có thể thấy thế hệ cán bộ này trưởng thành trong thời bình, không trải qua thử thách sinh tử như thế hệ cán bộ trưởng thành qua chiến tranh. Nhưng thử thách trong cơ chế thị trường, của đồng tiền được ví như “viên đạn bọc đường” cũng rất khốc liệt. Trong nhiệm kỳ vừa rồi nhiều cán bộ cấp Trung ương và cả cấp Bộ Chính trị đã không vượt qua được thử thách này.

Ông nhận thấy đâu là những điểm mới trong quá trình triển khai công tác nhân sự khóa XIII?

Chính sách nhân sự khóa này kế thừa chính sách cán bộ của nhiều khóa trước, nhưng cũng đã có những cách làm mới. Đó là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Điểm mới lần này là không quy hoạch cho nhiều nhiệm kỳ mà chỉ tập trung cho khóa tới (2021 - 2026); cũng không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước. Việc này được tiến hành một cách căn cơ, bài bản và chặt chẽ hơn.

Cùng với quy hoạch, Trung ương đã lập các Tiểu ban trong đó có Tiểu ban Nhân sự và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tại hội nghị hồi tháng 5-2020. Đây là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa mới và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phương hướng nêu rõ tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, tầm nhìn, sức khỏe... Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý; có ba độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

Điểm đáng chú ý tiếp theo là Quy định 214 của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.

Quy định này đưa ra các tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn chức danh cụ thể đối với cán bộ cấp cao, từ chức danh cấp cao nhất là Tổng Bí thư cho đến các chức danh khối cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh, thành... Đây là văn bản pháp lý quan trọng để làm cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử một cách chính xác và khách quan. Văn bản này được công khai rộng rãi, mọi người dân đều có thể nghiên cứu và đối chiếu.

Ông vừa nói về vai trò giám sát của nhân dân, về vai trò của tính dân chủ trong hoạt động thực tiễn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Theo ông, cần làm gì để tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, đặc biệt là đối với công tác cán bộ?

Việc giám sát cần thông qua nhiều kênh, trong đó có các cuộc họp hay các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài ra, tạo điều kiện cho các đoàn thể nhân dân có tiếng nói, thí dụ như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... Họ hết sức khách quan, mạnh dạn và trở thành tai, mắt của Đảng. Nói cách khác, khi Đảng dựa vào những tổ chức này sẽ có được nhiều ý kiến tốt.

Về vai trò giám sát của nhân dân, có thể nói rằng, vẫn còn những hạn chế bởi ý kiến đa phần chỉ dừng ở mức dư luận, do đó các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước phải trở thành nòng cốt. Thí dụ, từ những thông tin phản ánh của nhân dân, các cơ quan kiểm tra ở từng cấp ủy phải hoạt động tích cực, để nắm được thông tin và đưa ra được những quyết định khách quan. Đó chính là các công cụ để giám sát cán bộ các cấp.

Ngoài ra, còn các cơ quan chuyên trách của Đảng về vấn đề giám sát, thí dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm đi rà soát về nhân sự, tiếp theo là Thanh tra Chính phủ và những đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát thông tin về nhân sự. Từ thông tin nhân dân, những cơ quan này cần phải vào cuộc quyết liệt, công tâm, khách quan thì chắc chắn vai trò giám sát của nhân dân sẽ tiếp tục được phát huy, nâng cao. Chúng ta cũng cần có cơ chế để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, sai phạm của cán bộ, đồng thời phải khen thưởng nếu tố cáo đúng người đúng việc, có như vậy thì vai trò giám sát của nhân dân mới được phát huy mạnh mẽ.

Thưa ông, cần những giải pháp gì để phát hiện và loại bỏ những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, mị dân vào bộ máy?

Có thể nói rằng, hệ lụy nếu chúng ta để lọt những cán bộ có những biểu hiện nói trên vào bộ máy là hết sức ghê gớm. Đó là họ nói một đằng, làm một nẻo, không hết lòng vì sự nghiệp của Đảng. Họ dễ dao động khi gặp khó khăn và không kiên định với con đường đi của mình. Đó là biểu hiện của những người cán bộ có phẩm chất chính trị kém. Nhiều cán bộ từ trung ương đến địa phương bị xử lý trong thời gian qua là minh chứng cụ thể.

Cái khó ở chỗ, những biểu hiện xu nịnh, chạy chọt, lươn lẹo thường khó phát hiện hơn bởi nó không phải là câu chuyện hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, tham nhũng hay không tham nhũng. Đó là những người nay nói thế này mai nói thế khác. Nếu để lọt họ vào bộ máy thì họ chỉ vì lợi ích cá nhân của họ, của dòng họ, của gia đình họ mà thôi. Hệ lụy trước hết, họ sẽ tạo thành phe nhóm, tập hợp những người ủng hộ nhau trong tổ chức. Điều này sẽ gây khó dễ cho công tác cán bộ, họ tập hợp lực lượng để ủng hộ một vấn đề gì đem lại lợi ích hoặc cũng có thể để hạ bệ người họ cần hạ bệ. Để lọt những người như thế là khiếm khuyết của công tác cán bộ.

Tôi nghĩ rằng một cái khó nữa của công tác cán bộ là không phải ai khi được bầu vào vị trí cấp cao mới bộc lộ khuyết điểm, vi phạm. Tôi có theo dõi một số đồng chí lãnh đạo ngay từ khi còn là anh cán bộ đoàn ở một tổng công ty. Từ lúc đó, họ đã có những bộc lộ, những mầm mống của chủ nghĩa cá nhân, thích khen, ngại chê những thiếu sót khuyết điểm. Nói như thế để thấy rằng, công tác cán bộ khó khăn ở chỗ, phải trải qua một quá trình dài con người ta mới bộc lộ hết khuyết điểm của mình. Điều quan trọng là khi xuất hiện những mầm mống, nếu chúng ta không đề phòng, không phát hiện sớm thì cán bộ sẽ dẫn đến vi phạm.

Tôi luôn nghĩ, thà chọn những người hành động, theo dõi và điều chỉnh, uốn nắn khiếm khuyết của họ còn hơn là những người chỉ biết giấu mình. Phải là những con người dám bộc lộ, dám hành động, dám chịu trách nhiệm. Còn đối với những người giấu mình, chúng ta không thể nắm bắt được suy nghĩ, tham vọng, thủ đoạn của họ bởi vì chỉ khi có thời cơ họ mới bộc lộ ra. Họ thường lựa chọn đứng về phía số đông để được an toàn. Còn với những người tích cực, hành động thì mọi thứ đều được bộc lộ ra hết, từ tính cách cho đến quan hệ xã hội của họ, rất dễ nắm bắt. Nếu họ có khuyết điểm thì chúng ta uốn nắn, hạn chế, giúp họ sửa chữa, còn hơn là chọn những người không bộc lộ gì.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Chương (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/can-chon-nhung-nguoi-dam-lam-dam-chiu-trach-nhiem-633789/