Cần cho phép được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đến 10 năm!

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Theo Ban soạn thảo, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là xu thế tất yếu.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Bên cạnh đó, người lao động cũng có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Tại các phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án luật này, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến, tranh luận về tuổi nghỉ hưu. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đồng tình chọn phương án 1 là tăng 3 tháng/năm để hạn chế tác động do tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần nghiên cứu điều chỉnh cho những nhóm đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đến 10 năm, đồng thời bổ sung phụ lục các trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5 năm và 10 năm.

Với nhiều ngành nghề như may mặc, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khó khả thi. Ảnh: P.Thảo

Với nhiều ngành nghề như may mặc, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khó khả thi. Ảnh: P.Thảo

Đại biểu cũng đồng tình với qui định một số trường hợp có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm và phải có quy định cụ thể về tiêu chí đối với người lao động có trình độ cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt là những trường hợp nào, đối tượng nào để tránh vận dụng một cách tùy tiện và có cơ sở để giám sát.

Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) cho rằng, với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn.

Ngoài ra, việc xét tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình phù hợp để tránh gây sốc về tình trạng thất nghiệp cũng như không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Người lao động hiện nay đang làm việc trong điều kiện lao động còn rất khó khăn so với các nước trong khu vực, mức sinh hoạt bảo đảm cho cuộc sống của họ còn hạn chế. Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên như hiện hành đối với nhóm lao động ngoài Nhà nước.

“Mặt khác, hàng năm nước ta có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, đó là đội ngũ trẻ, khỏe, đủ năng lực và là nguồn nhân lực có chất lượng. Nếu chúng ta áp dụng ngay quy định tăng tuổi nghỉ hưu, rõ ràng có một phần cản trở lực lượng lao động trẻ. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, vấn đề tăng tuổi hưu cần phải tính toán kỹ”, đại biểu nói.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng, tuổi nghỉ hưu của nữ giới phải thấp hơn nam giới và đồng tình với quan điểm sửa luật theo hướng nên thu hẹp, rút ngắn khoảng cách thời gian chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nữ và tuổi nghỉ hưu của nam xuống còn khoảng từ 2 cho tới 3 năm.

“Về đề xuất độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60, tôi cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm, bổ sung thêm báo cáo đánh giá tác động của chính sách này để có thể tăng tính thuyết phục. Tôi nhận thấy nhiều cử tri cũng như các vị đại biểu Quốc hội hết sức băn khoăn về đề xuất này.

Tôi đề nghị nên sửa theo hướng quy định quyền được nghỉ hưu ở các độ tuổi khác nhau đối với từng ngành nghề cụ thể và có thể quy định cụ thể trong luật này hay trong các luật chuyên ngành khác. Đối với các trường hợp được nghỉ hưu sớm do tính chất công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần xem xét yếu tố mức hưởng BHXH để tránh thiệt thòi cho các đối tượng này khi nghỉ hưu sớm”, đại biểu Vũ Thị Nguyệt nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích, tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian đóng BHXH, nhất là lao động phổ thông, cán bộ, công chức, viên chức bình thường. Tuổi thọ trung bình của nước ta hơn 76, nhưng tuổi khỏe thì rất thấp, mắc nhiều bệnh…

“Việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho tuổi trẻ. Nên chăng, tuổi nữ tăng đến 58, nam là 62 là đủ và đây cũng là nguyện vọng không nhỏ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động bình thường.

Về trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian nghỉ hưu, giao cho Chính phủ quy định nhưng không quá 65 tuổi cả nam và nữ, nhưng không thể ghi trong luật là có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Tất cả mọi người đến tuổi hưu là phải nghỉ hưu theo luật. Không ai có quyền nghỉ hưu hơn tuổi được. Chỉ có cấp có thẩm quyền mới có quyền cho hay không cho”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo Dự thảo, Chính phủ đề xuất hai phương án: Thứ nhất là tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-cho-phep-duoc-nghi-huu-o-tuoi-thap-hon-den-10-nam-152706.html