Cần chính sách hỗ trợ lao động, ưu đãi đầu tư cho vùng ĐBSCL

Bài toán lớn cho vùng ĐBSCL cần phải được giải quyết một cách tổng thể và đồng bộ, nếu không thì ĐBSCL sẽ tiếp tục là vùng kém phát triển.

Thưa ông, hệ quả đã thấy từ nhiều năm qua, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020 nhận diện rõ hơn về thực trạng dân số cả vùng và xu thế di dân, ông nhận định như thế nào về vấn đề nầy?

Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của ĐBSCL mà chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá để tìm giải pháp cho phát triển kinh tế vùng, không thể để tiếp tục bị tụt hậu.

Theo báo cáo nghiên cứu, ĐBSCL là vùng duy nhất trong 6 vùng kinh tế có tỷ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 10 năm ( 2009-2019) và là vùng có tỷ lệ di dân cao nhất cả nước với 1,1 triệu dân trong 10 năm qua, tương đượng dân số của 1 tỉnh.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra là hạ tầng giao thông kém dẫn đến không thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay các doanh nghiệp ngoài vùng đến đầu tư, mở rộng nhà máy. Tốc độ đô thị hóa chậm, thiếu việc làm và ảnh hưởng của hạn mặn là những nguyên nhân tiếp theo làm cho cuộc sống khó khăn hơn nên người dân phải mưu sinh ở TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Đây là bài toán lớn cho ĐBSCL cần phải giải quyết một cách tổng thể và đồng bộ, nếu không thì ĐBSCL sẽ tiếp tục là vùng kém phát triển.

 ThS Nguyễn Phương Lam. Ảnh: NPL.

ThS Nguyễn Phương Lam. Ảnh: NPL.

Theo ông, phân tích các chỉ số kinh tế và nội lực đội ngũ doanh nghiệp trong vùng cũng như kêu gọi đầu tư FDI cần có những giải pháp nào giảm thiểu những thách thức và bất lợi của ĐBSCL trong vấn đề di dân để phát triển kinh tế cho cả vùng?

Như đã nói, di dân đồng nghĩa với thiếu hụt lao động, trong khi thiếu doanh nghiệp đầu tư, tạo ra việc làm là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến di dân. Ngược lại, khi thiếu hụt lao động thì sẽ khó thu hút đầu tư vì doanh nghiệp không thấy lợi thế cạnh tranh.

Mấu chốt ở đây, theo nhóm nghiên cứu cho thấy, vấn đề cốt lõi là hạn chế về hạ tầng giao thông làm cho ĐBSCL thiếu sự hấp dẫn trong kêu gọi thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Cho nên để giải quyết bài toán này, theo tôi là giao thông phải được đầu tư cải thiện sớm, các hạ tầng khác như khu cụm công nghiệp đầu tư đúng, đô thị trung tâm và cả đô thị vệ tinh, vùng ven cần phát triển để theo kịp, khi đó sẽ tạo điều kiện tốt cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, việc làm và sống tốt cho người lao động thì sẽ hạn chế việc đi tìm việc nơi khác, thậm chí sẽ còn thu hút trở lại nguồn lao động đã xuất cư trước đó. Bên cạnh đó các giải pháp trong ngành nông nghiệp để thích ứng với hạn mặn, quy hoạch vùng nuôi trồng phù hợp, canh tác hiệu quả và đào tạo tay nghề lao động… cũng cần tính đến.

Lực lượng lao động qua đào tạo, lao động trẻ và lao động nữ từng được xem là nguồn nhân lực dồi dào ở ĐBSCL. Tuy nhiên hiện sức hút từ các khu công nghiệp từ TP HCM, miền Đông Nam bộ. Như vậy muốn giữ chân lao động trẻ - nguồn nhân lực tương lai ở lại địa phương cần đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi gì?

Trước đây chúng ta luôn được nghe ĐBSCL là vùng dồi dào về lao động, nhưng hiện giờ thì các địa phương đã biết rõ đó không còn lợi thế. Người trẻ, lao động trong độ tuổi mong muốn làm việc trong nhà máy, xí nghiệp (ngành công nghiệp) hơn là ra đồng, làm vườn, bởi lẽ thu nhập ổn định hơn, họ cũng thấy rằng điều kiện, cơ hội phát triển và chất lượng cuộc sống giải trí ở thành thị tốt hơn so với khu vực nông thôn, do đó họ dịch chuyển theo việc làm là vậy.

Từ những thực tế đó, cũng như xu hướng chung của xã hội, các nhà hoạch định chính sách và quản lý cần đánh giá và xây dựng chính sách cho phù hợp. Như đã nói ở trên, đô thị hóa ĐBSCL cần được tiếp tục đầu tư nhiều hơn, cả các đô thị vùng ven cần đầu tư để người nông thôn không cảm thấy bị “lạc hậu”. Đào tạo nghề cần có chính sách hỗ trợ thêm cho lao động khu vực nông thôn, cần có chính sách ưu đãi trong từng giai đoạn những doanh nghiệp thu hút người lao động địa phương như thông qua miễn giảm thuế, tiền thuê đất…

Các công ty may mặc công nghiệp có xu hướng đầu tư, thu hút lao động nông thôn vùng ĐBSCL. Ảnh: HĐ.

Đã có mô hình, cách làm ở địa phương nào trong vùng đang nổi lên điểm sáng tạo việc làm, thu hút nhân tài?

Tôi thấy chương trình khởi nghiệp từ Bến Tre và Đồng Tháp khá hay, khi DN khởi nghiệp được thành lập thì sẽ giúp giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, chỉ cần một DN mới thành lập giải quyết 5- 7 việc làm thì 300- 500 doanh nghiệp mới trong 1 năm tại 1 tỉnh cũng sẽ giải quyết hàng nghìn việc làm mới.

Hay Đồng Tháp chủ động khuyến khích đưa lao động hợp tác tại nước ngoài để vừa làm việc, vừa học nghề, để khi quay lại thì lao động có được tay nghề, là điều kiện thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế.

Mặt khác, Long An là tỉnh có tỷ lệ nhập cư lao động cao nhất vùng do phát triển nhanh về công nghiệp, như vậy nếu như quy hoạch vùng của chúng ta đồng bộ, sớm được phê duyệt thì một số tỉnh tập trung sản xuất nông nghiệp lớn thì số tỉnh còn lại tập trung cho chế biến, khi đó quy mô và sản lượng sẽ rất lớn, nhiều nhà máy chế biến tập trung sẽ ra đời và giải quyết việc làm tốt hơn cho người lao động, thì sẽ không lâu, tỷ lệ di dân và mất việc sẽ giảm đáng kể.

Xin cảm ơn ông.

HỮU ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/can-chinh-sach-ho-tro-lao-dong-uu-dai-dau-tu-cho-vung-dbscl-d286136.html