Cần chính sách đãi ngộ giáo viên mầm non

Công việc giáo viên mầm non so với nhiều cấp học là vất vả, nhưng những chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự tương xứng. Rất cần chính sách đãi ngộ để giáo viên an cư, lạc nghiệp.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và Sở GD&ĐT kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trường mầm non.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và Sở GD&ĐT kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trường mầm non.

Cần lời giải tình trạng thiếu giáo viên mầm non

Vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Số tiền sẽ chi cho các cơ sở giáo dục mầm non lên đến 10,4 tỷ đồng mỗi năm. Trong số các đối tượng được thụ hưởng, có các cô mầm non, mỗi người được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng, tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.

Việc quan tâm cấp học mầm non nói chung và giáo viên mầm non nói riêng của tỉnh Quảng Nam khiến nhiều giáo viên cả nước vui lây. Mới đây, lãnh đạo 5 Sở GD&ĐT ở miền Tây (Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang) đã ngồi lại bàn thảo gỡ khó vấn đề giáo viên mầm non.

Thực tế cho thấy giáo dục mầm non các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua thiếu hụt trầm trọng lực lượng giáo viên. Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp khá thấp, trung bình từ 1,7 giáo viên mầm non/lớp (quy định là 2,5 giáo viên mầm non/lớp); có nơi chỉ được từ 1 đến 1,3 giáo viên mầm non/lớp.

Nguyên nhân chính được xác định là chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn thấp; công việc giáo viên mầm non nhiều, phải thực hiện 3 chức năng: chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, vừa phải làm đồ dùng dạy học, hoạt động phong trào… Thời gian làm việc của giáo viên mầm non từ 9 - 10 giờ/ngày.

Giáo viên mầm non thường phải đến trường sớm để đón trẻ và chờ cho phụ huynh đón hết trẻ mới được về. Có khi phụ huynh quên, giáo viên mầm non phải chờ đến tối. Một số trường vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non phải tốn kinh phí cho việc đi lại… Ngoài ra còn có áp lực đè nặng lên vai ngành Giáo dục về vấn đề tuyển dụng giáo viên, vị trí việc làm, tinh giản biên chế…

Chính những khó khăn này khiến không ít sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non xin làm việc khác, thậm chí đi làm công nhân vì lương cao hơn. Giáo viên mầm non chịu áp lực lớn từ dư luận xã hội, thí sinh ít chọn ngành học này...

Để gỡ khó cho giáo viên mầm non, mấu chốt nằm ở chỗ tình hình thực tiễn và ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục.

Linh động từ địa phương

Thực tế cho thấy, để gỡ khó cho giáo viên mầm non, mấu chốt nằm ở chỗ tình hình thực tiễn và ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục.

Như tỉnh Tiền Giang, trước đây tỉnh gặp nhiều khó khăn khi thiếu đến gần 1.000 giáo viên mầm non. Để gỡ khó, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, tạo bước đột phá về nhân lực và chất lượng bậc học này.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, tại Kỳ họp thứ 3 -HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, UBND tỉnh đã có Tờ trình kèm theo Dự thảo Nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có các Nghị quyết tháo gỡ những khó khăn, bất cập đối với giáo viên mầm non.

Trong khi tỉnh Tiền Giang còn thiếu 935 giáo viên mầm non, trong 5 năm qua, có 57 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không tuyển dụng được giáo viên mầm non và viên chức quản lý, nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn thuộc các huyện Tân Phước, Cai Lậy, Gò Công Đông, Tân Phú Đông…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên mầm non là mức thu nhập còn thấp, công việc vất vả. Nhiều giáo viên mầm non đến tuổi nghỉ hưu, chưa có nhân lực thay thế, nhiều trường hợp xin chuyển công tác hoặc nghỉ để làm việc khác.

Một trong những chính sách quan trọng là Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng.

Theo đó, giáo viên mới tuyển dụng được phân công công tác tại địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy. Viên chức quản lý và giáo viên đang công tác tại địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy (quản lý). Nguồn kinh phí hỗ trợ được sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện trong thời gian từ năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2023 - 2024.

Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân làm việc tại KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, Cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được hưởng chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần: Trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em có mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/cơ sở.

Trẻ em mầm non thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Giáo viên mầm non bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng…

Theo ông Lê Quang Trí, với các biện pháp, chính sách nêu trên là rất khả thi. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm tới, ngành Giáo dục địa phương mới khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Với chính sách mà Nghị quyết HĐND tỉnh vừa thông qua với các giáo viên mới tuyển dụng về ở 57 xã thì được hưởng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Còn những giáo viên, cán bộ quản lý được hưởng thêm 1,5 triệu đồng.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, trước đây có nhiều người chuyển sang làm các khu công nghiệp, hoặc qua địa bàn khác, bây giờ tỉnh thu hút về. Ngành Giáo dục sẽ có thông tin về nhu cầu tuyển dụng, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với sinh viên đang học tại các trường sư phạm mầm non; tạo môi trường cho giáo viên an tâm công tác, triển khai đào tạo theo đơn đặt hàng, lo cho học viên mọi sinh hoạt phí, học phí... để có nguồn giáo viên mầm non cho địa phương.

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-chinh-sach-dai-ngo-giao-vien-mam-non-xW5Bltu7g.html