Cần chiến lược, tránh gây sốc

Theo kế hoạch, năm 2016 Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) để huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc huy động vốn cho ngân sách và đầu tư phát triển năm 2016 đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn.

Huy động đạt 77%

Thị trường TPCP sơ cấp tuần qua chỉ tổ chức duy nhất phiên đấu thầu do KBNN gọi thầu vào ngày 16-3. Tại phiên, KBNN đã gọi thầu thành công 7.200 tỷ đồng/7.500 tỷ đồng các kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 5 năm trúng 6.500 tỷ đồng/6.500 tỷ đồng với mức lãi suất trúng thầu 6,33%/năm, giảm 0,02% so với phiên gần nhất (ngày 9-3); kỳ hạn 10 năm trúng thầu 700 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng (đạt 70%), lãi suất 6,95%/năm, tăng 0,02% với phiên gần nhất (ngày 2-3). Thống kê từ Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến ngày 22-3, HNX đã tổ chức 28 phiên đấu thầu do KBNN phát hành, trong đó có 7 phiên đấu thầu TPCP kỳ hạn 3 năm, 11 phiên kỳ hạn 5 năm. Tổng số tiền huy động ở các kỳ hạn hơn 61.000 tỷ đồng trong số 79.500 tỷ đồng chào bán, đạt tỷ lệ khoảng 77%.

Việc lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với dự kiến nhu cầu huy động vốn từ TPCP trong năm 2016 cao hơn năm 2015, sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN

Theo kế hoạch, trong quý I, KBNN sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng ở các kỳ hạn 3, 5, 10, 15, 20, 30 năm. Trong đó, kỳ hạn 5 năm dự kiến huy động 42.000 tỷ đồng, nhưng trước phiên ngày 22-3, giá trị huy động đã đạt 43.610 tỷ đồng (hơn 43% kế hoạch năm). Kỳ hạn 15 năm cũng huy động được 4.445 tỷ đồng trong kế hoạch 4.000 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 30 năm gọi được 3.700 tỷ đồng trong kế hoạch 3.000 tỷ đồng. Các kỳ hạn còn lại chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong thời gian tới khi thanh khoản ngân hàng bớt căng thẳng, diễn biến hút ròng trên thị trường mở (OMO) quay trở lại, kết hợp với xu hướng giảm nhẹ của lãi suất liên ngân hàng (NH), TPCP kỳ hạn 5 năm được quan tâm trở lại với lượng trúng thầu khá lớn bất chấp lãi suất giảm nhẹ.

Trong ngày 23-3, KBNN dự kiến phát hành TPCP tại 3 loại kỳ hạn 3 năm có giá trị gọi thầu 2.000 tỷ đồng; 5 năm giá trị gọi thầu 6.000 tỷ đồng; 15 năm, giá trị gọi thầu 1.000 tỷ đồng. Dù còn 2 phiên đấu thầu nữa sẽ kết thúc quý I, nhưng việc KBNN chỉ đạt kế hoạch huy động 77% đặt ra thách thức trong việc hoàn thành kế hoạch của quý cũng như cả năm 2016. Trong khi đó, năm nay Chính phủ đã được phép phát hành trở lại TPCP kỳ hạn dưới 5 năm theo Nghị quyết 99 của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015. Thực tế, việc huy động vốn cho ngân sách 2015 cũng chỉ hoàn thành được kế hoạch sau khi Chính phủ tiến hành phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm.

TPCP: Áp lực cạnh tranh lãi suất

Theo bà Trần Kim Vân, Phó Tổng giám đốc KBNN, năm 2016 dự báo nền kinh tế tuy tiếp tục phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, với các biến động khó lường trước trên thị trường tài chính quốc tế, giá dầu, sự bất ổn chính trị… Những điều này sẽ tác động trực tiếp tới công tác phát hành TPCP của KBNN. Đó là áp lực huy động vốn khá cao, trong khi ẩn chứa nhiều khó khăn đối với công tác phát hành TPCP. Cụ thể, theo Nghị quyết 99/2015/QH13, Quốc hội cho phép phát hành đa dạng kỳ hạn TPCP, nhưng giới hạn khối lượng tối đa đối với kỳ hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm không quá 30% tổng khối lượng phát hành trong năm 2015-2016. Trong bối cảnh nợ công đang ở mức cao, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, Nghị quyết 99 nhằm đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn đối với công tác huy động vốn của KBNN do cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, nguồn vốn huy động chủ yếu từ hệ thống NHTM (gần 80% khối lượng huy động).

Trong cân đối NSNN đã phát sinh nhiều khó khăn về huy động vốn, nhất là vốn TPCP dài hạn, đòi hỏi phải có chiến lược trong việc huy động, quản lý, sử dụng và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ. Điều này nhằm tạo điều kiện và dư địa thuận lợi, giảm áp lực cạnh tranh về nguồn lực, lãi suất cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có khả năng tiếp cận với tín dụng để phát triển sản xuất.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng năm 2016 dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng mạnh của năm 2015. Thông tư 36 cũng điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng từ 30% lên 60%, càng tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng hoạt động tín dụng, cũng là khó khăn đối với công tác huy động vốn của KBNN. Nhận định năm 2016 dù huy động TPCP thấp hơn 2015 (220.000 tỷ đồng so với 250.000 tỷ đồng) nhưng mục tiêu này vẫn là thách thức lớn, Bộ Tài chính đã giao phải hoàn thành kế hoạch và cùng với đó là phát triển thị trường trái phiếu để tăng thanh khoản, từ đó tác động trở lại việc huy động vốn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phụ trách Ban điều hành HNX, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, HNX đang chuẩn bị đưa sản phẩm mới là trái phiếu zero coupon (trái phiếu không trả lãi định kỳ mà trả lãi một lần khi đáo hạn, nhưng tỷ lệ chiết khấu cao) vào đấu thầu, giao dịch; phối hợp với KBNN hoán đổi, kéo dài kỳ hạn trung bình của TPCP. Còn trên thị trường thứ cấp sẽ tập trung các sản phẩm tạo thanh khoản, trước hết là repo trái phiếu (giao dịch mua bán lại trái phiếu có kỳ hạn), bởi đây là biện pháp quan trọng tạo vốn cho nhà đầu tư đầu tư vào TPCP.

Một con "át chủ bài" khác để phòng việc huy động vốn cho ngân sách và đầu tư phát triển trong nước không đáp ứng được yêu cầu là chủ trương về phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc phát hành chưa thực hiện vì phải đảm bảo nguyên tắc tối ưu, hiệu quả. Tuy nhiên, dù chưa huy động, bộ này cùng các bộ, ngành vẫn tiến hành các hội nghị duy trì, quảng bá hình ảnh Việt Nam để nhà đầu tư quốc tế quan tâm, tìm hiểu, cùng với đó là việc thuê các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh giá để nhà đầu tư có thể tham chiếu.

TPDN: khó huy động cao

Theo thống kê của Bộ Tài chính, 42.769 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành trong năm 2015. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), diễn biến lãi suất năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu cũng sẽ tạo ra những thách thức. Cũng theo VCBS, năm 2016, nền kinh tế sẽ tiếp tục quá trình tái cấu trúc. Sự ổn định của nền kinh tế sẽ đứng trước các thử thách từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất sẽ chịu áp lực từ tỷ giá và kế hoạch nâng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED). Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu vốn của thị trường trong nước. Do vậy, khối lượng TPDN phát hành năm nay sẽ khó có đột phá so với năm 2015. Các nhà đầu tư, chủ yếu là các NH, vẫn sẽ cẩn trọng lựa chọn các doanh nghiệp với nền tảng tài chính ổn định, hạn chế rủi ro. Từ góc độ nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng, việc lựa chọn nhà phát hành diễn ra khá cẩn trọng, một phần do áp lực hạ thấp tỷ lệ nợ xấu. Do vậy. các tổ chức tín dụng chủ yếu đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt.

Sức hút TPCP nguy cơ tạo ra áp lực tăng lãi suất. Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, trong các kênh huy động vốn truyền thống, việc phát hành TPDN đang đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường vốn. VCBS nhận định: "Khối lượng TPDN phát hành năm 2016 nhiều khả năng chỉ tương đương 2015. Áp lực lãi suất trong năm 2016 có thể sẽ chưa đủ lớn để khiến các doanh nghiệp tái cấu trúc các khoản nợ dài hạn. Thêm vào đó, nền kinh tế cần có thêm thời gian để củng cố lại nội lực, đồng thời xử lý những trở ngại cố hữu của thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào tính dẫn dắt của các doanh nghiệp thuộc nhóm chế biến chế tạo khi nền kinh tế đang bước sang giai đoạn mới, với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là bàn đạp quan trọng không chỉ đổi với nền kinh tế, mà còn đối với thị trường vốn trong dài hạn. Do vậy, những kế hoạch dài hơi của nhóm doanh nghiệp này tiếp tục là động lực khiến họ phát hành trái phiếu cho năm nay".

Tăng trưởng tín dụng năm 2016 được kỳ vọng ở mức 16% do một số nguyên nhân: nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa thực sự gia tốc; tín dụng cho các dự án BOT và ngành bất động sản có thể giảm nhẹ so với năm 2015; lực cầu tiêu dùng vẫn ở mức khiếm tốn, được thể hiện qua các con số doanh thu bán lẻ. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 siết chặt hoạt động cho vay bất động sản. Theo VCBS, đây là những yếu tố quan trọng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng, kéo theo nhu cầu huy động vốn chưa thực sự mạnh trong năm 2016.

Quang Minh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160323/can-chien-luoc-tranh-gay-soc.aspx