Cần chế tài mạnh xử lý hành vi xây dựng trái phép

Các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn cả nước mọc lên như 'nấm sau mưa', nguyên nhân một phần là do thủ tục hành chính quá rườm rà, khiến nhiều doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn làm.

Nhiều dự án sai phạm dù đã được cơ quan thanh tra ra kết luận nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để như: Dự án khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, khu nhà ở và trung tâm thương mại Hà Đông, dự án khu nhà ở Xa La, dự án bãi đỗ xe kết hợp công viên cây xanh, dịch vụ công cộng khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, khu nhà ở để bán tại xã Mễ Trì, chung cư 93 Lò Đúc, tòa nhà 8B Lê Trực.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên được chuyên gia ngành xây dựng chỉ rõ, đầu tiên là do các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, thứ hai là thủ tục hành chính cấp phép phức tạp, rườm rà, khiến nhiều doanh nghiệp sợ, chấp nhận làm sai pháp luật và bị phạt.

Ông Tạ Quyết Thắng - Tổng Giám đốc công ty TNHH Sơn Trường, một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cho biết thủ tục hành chính phức tạp khiến chỉ riêng việc xin cấp phép xây dựng dự án của công ty ông ở Tp. Hải Phòng đã chờ đợi 3 năm nay chưa xong.

Theo ông Thắng, công ty đã cố gắng làm tất cả các thủ tục cần thiết để xin giấy phép xây dựng một nhà máy bê tông nhưng không thể chờ đợi được.

Lý do không được cấp phép giấy xây dựng cũng rất "trời ơi" theo kiểu "con gà có trước hay quả trứng có trước". Có nghĩa là theo Luật Xây dựng, nhà máy phải đầu tư dây chuyền sản xuất thì mới được cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, không có giấy phép xây dựng thì DN cũng không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền sản xuất được. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn, kìm hãm sự phát triển của DN. Cực chẳng đã DN đành xây dựng không phép.

Trong bức tâm thư gửi lên lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước để giãi bày trăn trở về những vướng mắc thủ tục hành chính mà công ty ông cũng như các DNNVV luôn mắc phải, ông Thắng cho rằng một số điều của Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng… mới chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Hơn nữa, một số điều trong luật còn xa rời, chưa bám sát thực tiễn và tình hình thay đổi của cuộc sống hàng ngày.

Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng đối với việc vi phạm trong xây dựng, Bộ trưởng Hà giải thích, đây là lĩnh vực rộng nên hoạt động này chưa được quan tâm nhiều. Hàng năm, Bộ tổ chức khoảng 100 đoàn thanh tra nhưng tỷ lệ thanh tra bất động sản chưa được nhiều. Chế tài xử lý với vi phạm về bất động sản còn nhẹ trong khi nhiều chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng về nâng tầng, tăng diện tích, thu lợi lớn… nhưng việc xử phạt chưa tương xứng với lợi nhuận bất hợp pháp họ thu được.

Đánh giá về tình trạng vi phạm trong xây dựng, ông Phạm Hồng Hà cho rằng hiện chúng ta có tương đối đầy đủ quy định pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Các địa phương đang cố gắng kiểm soát, hạn chế các vi phạm xây dựng. Trên thực tế, các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cũng đang có chuyển biến theo chiều hướng giảm dần, nhất là hành vi xây dựng không phép, sai phép, nhưng hiện vẫn còn ở mức cao.

Vẫn còn tình trạng này xảy ra, Bộ trưởng cho biết, là do quy định quản lý tuy đã đủ nhưng còn một số nội dung còn bất cập, quy trình xử lý phức tạp, có điểm thiếu khả thi, chưa đồng bộ. Số lượng công trình vi phạm xây dựng đã giảm từng năm nhưng còn phức tạp. Nguyên nhân là do ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng. Mô hình thanh tra xây dựng nhiều trường hợp chậm phát hiện hoặc phát hiện rồi xử lý không kiên quyết, triệt để.

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy hoạch xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội về mô hình tổ chức thực hiện thanh tra xây dựng ở đô thị cho phù hợp hơn so với thực tiễn.

Huy Nam

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/bat-dong-san/201906/can-che-tai-manh-xu-ly-hanh-vi-xay-dung-trai-phep-634790/