Cần chế tài mạnh để giải bài toán ô nhiễm môi sinh

Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng bởi những tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, cuộc sống của người dân một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Ô nhiễm từ nguồn phát thải công nghiệp

Hiện nay, theo các chuyên gia, nguồn phát thải công nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí rất lớn.Không thể phủ nhận, những tác động tiêu cực từ sản xuất công nghiệp dẫn đến ô nhiễm không khí đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Đơn cử, tại xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Trao đổi tại tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp – Vấn đề mới nổi” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức, ông Trịnh Văn Sỹ, Hội cựu chiến binh xã Thanh Hải (Hà Nam) cho biết, tại xã Thanh Hải có đến 4, 5 nhà máy xi măng.

Về buổi chiều, nắng nóng như thế này mà cả khu vực mấy chục cây số, khói bụi mờ như sương, vài ba ngày nếu không quét dọn là bụi đầy mái nhà. “Qua báo cáo Đánh giá tác động xã hội môi trường của các xí nghiệp, công ty thì các phương án, phương pháp đều tốt nhưng khi đi vào thực hiện thì được 20 - 30% còn đến 80% là không thực hiện”, ông Sỹ cho biết.

Các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp nặng càng tăng thì ô nhiễm không khí càng nhiều (Ảnh minh họa: K.Tiến)

Các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp nặng càng tăng thì ô nhiễm không khí càng nhiều (Ảnh minh họa: K.Tiến)

Thêm dẫn chứng về tình hình ô nhiễm không khí, Trưởng trạm y tế xã Thanh Hải ông Đinh Hồng Tảo cũng đưa ra những con số giật mình vì số lượng người chết vì ung thư của xã, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về tỷ lệ người chết do ung thư liên quan đến đường hô hấp. Theo đó, tổng số ca tử vong tại địa phương tính từ năm 2015 đến 5 tháng đầu năm 2020 là 297, thì tỷ lệ tử vong do ung thư là 83/297, trong đó ung thư về hô hấp chiếm tỷ lệ 39/83 (gần 50%).

Bà Isabella Suarez - Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và không khí sạch (CREA) phân tích, theo một nghiên cứu của trung tâm, phát thải từ các phương tiện cá nhân và xe máy giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng bù đắp nhu cầu từ hộ kinh doanh khiến cho hoạt động của các nhà máy điện vẫn diễn ra bình thường. Nhiều khả năng một số nhà máy trong khu công nghiệp vẫn hoạt động. Qua bản đồ vệ tinh, chúng tôi thấy lượng phát thải từ các nhà máy điện than và khu công nghiệp ở Quảng Ninh và Ninh Bình ở phía Nam Hà Nội tăng mạnh...

PGS. Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế – Bộ y tế, cũng cho rằng, ngành công nghiệp nặng ngày càng tăng thì ngày càng ô nhiễm hơn. Hiện nay trên thế giới 9/10 người đang hít không khí bẩn. Tỷ lệ người già, trẻ em bị bệnh hen suyễn tăng nhanh, chưa kể ung thư. Những hạt bụi nhỏ mang theo chất độc nguy hại từ công nghiệp không chỉ dừng đến phổi mà còn ngấm dần đến nhiều bộ phận khác.

“Mỗi năm có hàng triệu người chết, hơn nửa triệu trẻ em tử vong do ô nhiễm không khí, tỉ lệ người mắc bệnh về hô hấp, trẻ em bị hen suyễn... đang tăng lên rất nhanh, đặc biệt là ung thư phổi”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nhiều người bị ung thư không phải do hút thuốc, người dân ở các vùng nông thôn có các nhà máy công nghiệp như nhà máy xi măng, khai thác đá có tỉ lệ bị ung thư cao. Vì các ngành công nghiệp, hay phương tiện giao thông xả ra rất nhiều khí thải nguy hiểm cùng các loại bụi mịn PM10, PM5, PM 2.5... mà cơ thể con người không thể tự phòng chống.

Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền

PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, đã có những ý kiến liên quan đến dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua. PGS.TS Bùi Thị An cho biết: “Luật cũng đã tập trung vào ô nhiễm không khí, bởi vì xét theo tình hình thực trạng ô nhiễm không khí vừa rồi cho thấy, hệ lụy của nó gây nên rất lớn đối với sức khỏe của người dân, tức là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước”.

Bà An cho hay, sau khi rà soát tất cả những vấn đề có liên quan đến bất cập về môi trường, bà và tổ chức Liên minh Sức khỏe cộng đồng đã viết thư kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 vấn đề chính để đưa vào dự thảo luật.Theo đó, phải lập ra mục giám sát, phản biện xã hội của dân, chỉ người dân mới có quyền lên tiếng.

Hơn nữa, trong lĩnh vực ô nhiễm không khí có rất nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau, từ rác thải công nghiệp của các nhà máy như sản xuất xi măng, nhiệt điện, khai thác đá vôi, đến thói quen đốt rơm rạ của người dân hay khói bụi của giao thông đô thị,…

Bàn về vấn đề ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Gần 2 thập kỷ trở lại, nhờ nỗ lực của ngành y tế toàn cầu cũng như Việt Nam, các căn bệnh do nhiễm khuẩn, vi-rút đã giảm đáng kể, tuy nhiên những căn bệnh không lây nhiễm lại tăng rất cao. Nguyên nhân chính là từ thuốc lá, rượu bia, các chất độc hại từ những tấm lợp amiăng trắng, khói bụi từ những nhà máy công nghiệp tại các địa phương…

Do vậy công tác truyền thông cần phải được đẩy mạnh, để toàn dân nhận thức được mình đang sống trong môi trường không khí bẩn như thế nào, từ đó biết cách tự bảo vệ mình. Đồng thời, cũng để các nhà lãnh đạo nhận thức được vấn đề nguy hại của tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm do các nguồn phát thải công nghiệp.

Cho nên, cần phải có chế tài rõ ràng để xử lý những đơn vị, những người gây ra ô nhiễm môi trường. Bởi, hầu hết mọi người có xu hướng muốn đánh thuế môi trường vào giao thông, đặc biệt là khói bụi từ xăng dầu. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh vào xăng dầu thì rất đơn giản, chỉ cần thu tiền phạt của dân là xong.

Ngoài ra, phải quản lý chặt chẽ các phế thải nguy hại, trong đó, các phế thải gây ung thư như hợp chất amiang trắng sử dụng trong tấm lợp fibro xi măng ủ bệnh từ 20-25 năm. PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: “Ai gây ô nhiễm như thế nào, thì phải trả tiền tương xứng với mức độ ấy. Áp dụng chế tài và xử lý bằng pháp luật”. Bà An cho biết, phải nhấn mạnh từ "tương xứng", bởi nếu cứ nói chung chung sẽ rất khó để giải quyết. Một khi đã thu nhầm thì luật không mang lại tính khả thi và dẫn tới nhờn luật, coi như lãng phí trong chuyện sửa luật tiếp theo.

Và để khắc phục tình trạng này, bà An đưa ra một số phương án như: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản thì phải có những giải pháp cụ thể hơn, đặc biệt trong hệ thống thiết bị, để giám sát, đo đạc để có những số liệu chính thức về ô nhiễm không khí.Phải nắm rõ ngành nào phát thải nhiều, ngành nào phát thải ít và loại hình nào cần phải thu phí nhiều.

Bởi con người không thể định lượng được cho nên cần một thiết bị đo đạc chính xác. “Bên cạnh đó, để có kết quả chính xác và hạn chế sai chế tài, cần phải có các cơ quan kiểm tra chéo. Không để cho các doanh nghiệp tự đo, tự tính, tự báo cáo”, bà An cho biết.

Đồng quan điểm với PGS.TS Bùi Thị An, ông Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách phát triển, cho hay, ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất và kiến nghị trên. Bởi cơ quan, tổ chức nào xả thải gây thiệt hại thì rõ ràng phải đền bù mức tương xứng.

“Mức độ gây thiệt hại sau khi xác định rõ ràng thì người dân có quyền khởi kiện và pháp luật phải quy định xét xử. Nếu những cơ sở sản xuất kinh doanh không đủ tiêu chuẩn về xả thải thì không được phép hoạt động. Còn khi đã xả thải thì phải xử lý, nếu không phải chấp nhận hậu quả gây ra và đền bù tương xứng khi bị khởi kiện.”- ông Phạm Đức Bảo bày tỏ.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-che-tai-manh-de-giai-bai-toan-o-nhiem-moi-sinh-109423.html