Cần chế tài đủ mạnh

Với một thành phố có mật độ dân số cao như Hà Nội, khi hàng trăm nghìn người vẫn phải chật vật, chắt chiu để mua được một căn nhà thì vẫn có những dãy biệt thự, nhà liền kề rộng thênh thang không một bóng người.

Nghịch lý ấy tồn tại lâu nay được xem như "hệ quả tất yếu" của quá trình thị trường bất động sản phát triển “nóng” và chuyển sang “nguội lạnh". Về thực chất, tình trạng này gây lãng phí rất lớn nguồn lực của xã hội khi hàng nghìn tỷ đồng bị "đóng băng" không được lưu thông trên thị trường.

Phải nói, việc nhiều khu đô thị bị bỏ hoang trong thời gian qua là do công tác tổ chức thực hiện và triển khai quy hoạch bị buông lỏng. Một thời, các chủ đầu tư bất chấp quy hoạch, kế hoạch, hình thành các dự án không có định hướng, dẫn đến phong trào đầu tư bất động sản nở rộ. Khi xây dựng, phần lớn chủ đầu tư chỉ chú tâm vào mục tiêu thu lợi nhuận cao nhất, trong khi việc kết nối dự án với tổng thể khu vực đô thị gần như phó mặc cho chính quyền địa phương.

Các dự án quá tập trung vào nhu cầu đầu cơ, mà bỏ qua những tiện ích thiết yếu, như nơi làm việc, sinh hoạt công cộng, trường học,... khiến nhiều khu đô thị vệ tinh, xa trung tâm không thu hút được người dân đến ở. Hiện tượng “tổ chim giữa đồng” là một minh chứng tại nhiều khu đô thị đã được phê duyệt như Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), Thiên đường Bảo Sơn, Lideco (huyện Hoài Đức)....

Trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội từng ra hàng loạt thông điệp về việc khắc phục sự hoang phí này. Từ việc yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt đến giải pháp “đánh” vào kinh tế. Trong đó Hà Nội đã đề xuất đánh thuế và thu phí người sở hữu từ 2 biệt thự bỏ hoang trở lên để tránh đầu cơ, tăng ngân sách cho nhà nước… Tuy nhiên, vì chưa có những chế tài đủ mạnh nên đến nay, tình trạng nhu cầu chỗ ở vẫn thiếu, nhà để hoang không có người ở tại các khu đô thị vẫn diễn ra.

Giải quyết bài toán các khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang vốn là vấn đề nan giải. Trong bối cảnh hiện nay, để khắc phục tình trạng trên, trước hết, với nhà đầu tư phải thay đổi tư duy phát triển khu đô thị. Cụ thể, lối tư duy không tôn trọng quy hoạch, kế hoạch; chỉ tập trung vào phát triển nhà ở đã lỗi thời, trong khi xu thế trên thế giới hiện nay là phát triển hệ thống đô thị theo hướng ngay trong các khu đô thị phải có đầy đủ các tiện ích dành cho cuộc sống, như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, mua sắm,... đáp ứng nhu cầu của người dân.

Với cơ quan quản lý, khi phê duyệt các khu đô thị phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc "cuốn chiếu", hạ tầng phát triển đến đâu thì phát triển các dự án bất động sản đến đó. Ðiều này giúp tiết kiệm nguồn lực, đồng bộ các tiện ích, đồng thời giúp các nhà đầu tư, người dân tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, cũng phải có chế tài và sự giám sát chặt chẽ, buộc các chủ đầu tư phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo quy hoạch và bảo đảm những tiện ích sinh hoạt cho người dân như cam kết.

Đặc biệt, các cấp, các ngành phải xây dựng chế tài chặt chẽ trong quản lý bất động sản, rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Bởi hiện nay, do thiếu chế tài nhà đầu tư hầu như "phủi tay" khi đã bàn giao nhà cho người mua. Bên cạnh đó, ở một số nơi, chính quyền cấp cơ sở lại "đá bóng" trách nhiệm khi cho rằng, chỉ có nhiệm vụ thu hồi, giao đất cho chủ đầu tư dự án. Do vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư rất quan trọng.

Có chế tài đủ mạnh, chính sách, giải pháp phát triển đô thị phù hợp thì mới tháo gỡ được những nút thắt, tạo điều kiện thu hút người dân về sinh sống tại các khu biệt thự, nhà liền kề đang bị bỏ hoang.

Duy Biên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/914033/can-che-tai-du-manh