Cần chế tài cán bộ không tiếp công dân

Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi không tiếp dân, đồng thời cũng cần chế tài người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống cán bộ.

Sáng 22-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân giai đoạn 2016-2020” đối với UBND quận 9 và quận Thủ Đức.

Khiếu nại, tố cáo chủ yếu là về đất đai, xây dựng

Quận 9 và quận Thủ Đức là hai địa phương đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng của TP. Từ các dự án này đã phát sinh lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị rất lớn. Tại quận Thủ Đức, trong giai đoạn 2016-2020 đã tiếp nhận 1.143 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Trong số 565 đơn khiếu nại có hai đơn khiếu nại đúng, 28 đơn đúng một phần và 520 đơn sai toàn bộ.

Còn tại quận 9, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tiếp nhận là hơn 6.100 đơn, trong đó chủ yếu là đơn kiến nghị với 5.338 đơn. Kết quả, quận 9 đã giải quyết hơn 94% số đơn thuộc thẩm quyền.

Đơn khiếu nại, tố cáo ở hai quận này tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, xây dựng; đặc biệt là về bồi thường tại các dự án, do chính sách về giá và phương án giá áp dụng so với thời điểm triển khai dự án quá lạc hậu.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, thời gian qua đoàn nhận được rất nhiều đơn thư của người dân gửi đến. Trong quá trình theo dõi kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân, đoàn nhận thấy có nhiều vụ việc kéo dài, giải quyết chậm hoặc nhiều nội dung phản ánh liên quan đến thái độ tiếp dân của cán bộ, công chức.

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP.HCM tại buổi làm việc. Ảnh: TL

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP.HCM tại buổi làm việc. Ảnh: TL

Luôn nghĩ hướng có lợi cho dân

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, cho biết quận có diện tích lớn với nhiều dự án đã và đang triển khai như Khu công nghệ cao, mở rộng đường xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Lê Văn Việt... Do đó, nhiều diện tích đất bị thu hồi, trong khi chính sách bồi thường chưa thỏa đáng nên dẫn đến bức xúc của một bộ phận không nhỏ người dân nên dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Đơn cử như vụ khiếu kiện đông người ở dự án Khu công nghệ cao, ông Bảy cho biết quận đã tham mưu cho UBND TP để báo cáo Thường trực Thành ủy về chủ trương giải quyết chính sách cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Từ đó, HĐND TP đã có nghị quyết bổ sung 1.471 trường hợp bồi thường cho gần 700 hộ dân. “Chúng tôi làm gần xong rồi, cố gắng cuối tháng này sẽ xong. Dĩ nhiên sẽ có những hộ dân chưa nhất trí nhưng hầu hết người dân rất phấn khởi vì có thêm chính sách bổ sung” - ông Bảy nói và cho rằng cách làm đó rất có lợi cho người dân.

Với 49 trường hợp khiếu nại lâu năm, ông Bảy cho biết bản thân ông đã hơn 70 buổi tiếp xúc với các hộ này. Liên quan đến các trường hợp này, ông Bảy cho biết Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét chính sách đặc thù. Từ đó, quận đã xem xét các tiêu chí đặc thù và đề xuất TP có các chính sách cụ thể. Theo đó, vẫn giữ nguyên những chính sách như các hộ khác nhưng xét đặc thù để bán thêm nền tái định cư để giải quyết cuộc sống cho họ. “Nhiều hộ rất hoan nghênh nhưng cũng có nhiều hộ không đồng ý, họ muốn hoán đổi đất, trả lại đất nên tiếp tục khiếu kiện” - ông Bảy nói và cho rằng không có cơ sở nào để trả lại đất. “Chúng tôi đã hết lòng với người dân rồi nhưng người ta vẫn không chịu” - ông Bảy nói tiếp.

Chủ tịch UBND quận 9 kiến nghị luật cần quy định rõ về căn cứ không thụ lý đơn thư và quy định rõ chế tài trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để tránh việc lạm dụng từ cả hai phía. Cụ thể là cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu không tiếp dân hoặc tiếp một cách hình thức, đối phó thì chế tài ra sao. Hoặc người dân lợi dụng quyền này để vu khống trắng trợn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ cũng cần có chế tài.

Phải giải quyết theo hướng có lợi cho dân

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân.

Bà Tuyết khẳng định khiếu nại, tố cáo là quyền công dân và trách nhiệm của cán bộ, công chức là phải tôn trọng quyền này. Do vậy, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị khi tiếp nhận cần có xem xét, phân loại chính xác, áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết thỏa đáng nhất, trên tinh thần với những việc liên quan quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xem xét hợp tình hợp lý, tạo nên sự đồng thuận của công dân. “Có những việc không thể giải quyết đồng thuận hết được nhưng trong phạm vi và khả năng làm sao có lợi nhất cho dân thì giải quyết” - bà Tuyết nói.

Từ đó, bà Tuyết đề nghị UBND hai quận tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Đồng thời, cần quan tâm đến các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp dễ dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người. Tích cực phối hợp với các cơ quan trong giải quyết đơn thư của người dân. Quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thấy những quy định chưa phù hợp thì cần tổng hợp, báo cáo, kiến nghị để có sự thay đổi.

Trả lời không thuyết phục, dân khiếu nại kéo dài

Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng có buổi giám sát đối với UBND quận 3 và huyện Bình Chánh. Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết so với các quận huyện khác, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà huyện phải xử lý nhiều hơn. Nguyên nhân do tốc độ gia tăng dân số làm phát sinh nhu cầu về nhà ở của người dân, nhiều người dân xây dựng không phép, sai phép bị xử lý hành chính nên khiếu nại, tố cáo.

Tại quận 3, đại diện UBND quận 3 cho biết trong giai đoạn 2016-2020, quận nhận 1.259 đơn của công dân. Theo vị này, công tác phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn quận chưa đạt hiệu quả. Nhân sự phục vụ cho công tác này chủ yếu kiêm nhiệm, do áp lực công việc chuyên môn nên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu văn bản liên quan.

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đặt vấn đề về năng lực của cán bộ tiếp dân. Theo bà, hiện nay cán bộ chưa thật sự chất lượng thì chúng ta bố trí ở khâu này. “Có vấn đề hết sức tế nhị thì tính tình phải cực kỳ mềm mỏng, khi người ta đến là mang một bầu nóng nảy rồi… điều đó dẫn đến cách trả lời không thuyết phục khiến việc khiếu nại của công dân kéo dài” - bà Châu nói.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/can-che-tai-can-bo-khong-tiep-cong-dan-939907.html