Cần chấm dứt việc bán thuốc chữa bệnh ở các phiên chợ vùng cao

Tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practice) thực hành quản lý tốt nhà thuốc được Bộ Y tế áp dụng từ năm 2018 đã có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đối với các khu vực nông thôn, miền núi, tình trạng thuốc chữa bệnh bán ở chợ phiên giảm hẳn. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để triệt để loại bỏ 'tân dược bán mẹt' lại là nhận thức còn hạn chế của người sử dụng.

Một quầy hàng bán thuốc “thập cẩm” ở chợ phiên Hà Giang. Ảnh: Thúy Hằng

Một quầy hàng bán thuốc “thập cẩm” ở chợ phiên Hà Giang. Ảnh: Thúy Hằng

Mục sở thị các phiên chợ vùng cao bây giờ có thể nhận thấy ngay tình trạng trải nilon ra giữa chợ rồi bày bán thập cẩm các loại thuốc chữa bệnh đã giảm thiểu so với vài năm trước đây nhưng chưa chấm dứt hẳn. Ngay cả ở các trung tâm dân cư, các thị trấn, thị tứ, các nhà thuốc cũng tiến tới tiêu chuẩn chung, tiến sát vào gần chợ, dù chưa thể đồng bộ tất cả các quy định. Bà con đi chợ thay vì mua thuốc ở mẹt hàng thì đã đến nhà thuốc mua thuốc chữa bệnh. Vấn đề còn lại của thời kỳ quá độ là làm sao tuyên truyền để bà con bỏ hẳn thói quen dùng thuốc tân dược vô tội vạ, mù mờ của người dân.

Chúng tôi tiếp cận một vài mẹt thuốc thập cẩm như thế ở các chợ vùng cao tỉnh Hà Giang. Đây là những phiên chợ mỗi tuần chỉ họp một lần để giao thương, trao đổi tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, trong đó có dược phẩm. Những người bán thuốc thường là người già và không biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Họ nói với người mua bằng tiếng Mông. Những bà con khác ở chợ cho biết, các chủ hàng này thường trao đổi mua bán với các tiểu thương ở chợ biên giới, có khi mua lại các mặt hàng của nước láng giềng, không rõ hướng dẫn ghi trên bao bì thì nhìn hình vẽ đoán biết. Đa số các loại thuốc họ bán đều ngoài danh mục kê đơn, là tân dược thông thường như dầu nóng, tinh dầu, thuốc cảm, hạ sốt, đau bụng, chống sốt rét, kháng viêm... và tất cả đều là hàng rẻ tiền. Người sử dụng các loại tân dược bán ở mẹt hàng kiểu này không hề biết hết công dụng dược phẩm, cách sử dụng đúng cách cũng như không tính đến những tác hại có thể mang lại.

Điều này có thể làm thất bại nỗ lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân khi người bán và người mua đều không có kiến thức tối thiểu về y tế cộng đồng. Người đi mua chỉ kể bệnh sơ qua rồi cứ theo người bán mà mua thuốc. Người bán thuốc thường là các tiểu thương, có chút ít kinh nghiệm bán thuốc lâu năm chứ không phải là dược sĩ, cũng chưa từng được đào tạo chuyên môn cứ bán thuốc tính theo từng viên, từng lọ chứ không tính theo đơn, hay liều thuốc. Thuốc mua ở phiên chợ trước, dùng chưa khỏi thì phiên chợ sau lại mua. Người bán thiếu kiến thức về dược học, người mua lại càng không có kiến thức gì về bảo vệ sức khỏe.

Một nguyên nhân phải kể đến là đồng bào miền núi tin vào thầy cúng có thể chữa được bệnh. Ở chợ, những người già chuyên làm bùa chú, bán thuốc nam, đông dược rồi cũng bán kèm cả thuốc tây. Họ còn trộn những thứ thuốc này với nhau rất dễ gây ngộ độc rồi bán cả mớ hỗn độn đó cho một người nào đó ở nhà đang đau bệnh và người nhà thì đi chợ mua thuốc.

Mặt khác, một nguồn thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc nữa phát sinh từ việc bà con trước đó có thể tới các cơ sở khám chữa bệnh rồi giữ lại các đơn thuốc. Lần sau bệnh tái phát thì mang đơn thuốc ra nhờ các sạp buôn từ dưới xuôi lên mua đi bán lại. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây hại nhiều mặt cho người dùng, dẫn đến nhờn thuốc, kháng thuốc, mất cơ hội có thể chữa khỏi bệnh về lâu dài.

Một phụ nữ sinh ra ở miền núi với cơ thể khỏe mạnh thì dường như số lần đến trạm y tế rất ít. Theo một điều tra trước đây của ngành Y tế, rất nhiều phụ nữ trẻ chỉ mất tiền chăm sóc sức khỏe mỗi năm vài trăm ngàn, đó là chi phí cho việc đẻ ở trạm y tế, còn lại các bệnh khác khi xuất hiện triệu chứng thì mua thuốc ở chợ để uống, thậm chí là mua thuốc kháng sinh về uống lượng lớn vì nghe nói thuốc kháng sinh có thể giảm béo. Các vùng trống về kiến thức y tế hiện nay dần lùi xa các trung tâm đông dân cư, vào các khu vực hẻo lánh hơn khiến việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền càng khó khăn hơn. Đó là nguyên nhân của thực tế các địa phương đã nỗ lực để có bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế xã, xóa bỏ việc sinh đẻ tại nhà, nhưng lại chưa xóa triệt để được việc thuốc tân dược bán ở chợ.

Phụ nữ miền núi là những người cần nhất phải được trang bị đầy đủ kiến thức về y tế. Ảnh: Thúy Hằng

Dù y học có phát triển đến đâu cũng không thể lường hết mặt trái của tân dược. Dược phẩm luôn là con dao hai lưỡi, có thể chữa bệnh nhưng cũng có thể hại người bệnh bằng tác dụng phụ và kê đơn không đúng. Việc điều trị bằng tân dược thường đi kèm tác dụng không mong muốn, làm vô hiệu hóa hệ miễn dịch, cũng như có thể dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc bất lợi cho công tác khám chữa bệnh toàn dân.

Khu vực miền núi tỷ lệ người được chăm sóc y tế rất thấp. Có nơi, chi phí khám chữa bệnh của một người, trung bình một năm không quá vài ngàn đồng chi phí mua thuốc tây ở chợ phiên. Các trạm y tế xã cho hay, họ cũng có phát thuốc cho bệnh nhân tới khám, nhưng cũng ít người tự nguyện đến khám chữa bệnh. Bà con thường tự chữa bằng cách mua thuốc ở chợ khi trong nhà có người bị đau bụng, cảm sốt và mắc các chứng nhiễm trùng thông thường, trong khi đó, thuốc bán ở chợ có khi gồm cả thuốc lậu, thuốc giả do đó giá cả cũng rẻ hơn. Thuốc đó không được bảo quản tốt, bị chiếu ánh nắng trực tiếp, thuốc quá hạn sử dụng, ẩm mốc hoặc là thuốc không rõ nguồn gốc gây ngộ độc rất nguy hiểm. Chứng kiến các hàng thuốc ở chợ bày bán chung thuốc với thuốc diệt côn trùng, thuốc cho gà rù, thuốc cho ngựa ốm, mỹ phẩm quá hạn, đông dược ẩm mốc mới thấy mối lo ngại không nhỏ.

Để toàn dân được chăm sóc y tế đúng cách là trách nhiệm của tất cả xã hội. Mua thuốc ở chợ về tự chữa không chỉ kéo lùi chất lượng cuộc sống của cư dân miền núi, vùng sâu, vùng xa mà trở thành rào cản cho sự nghiệp chăm sóc y tế cộng đồng, tạo ra sự mất ổn định cho an ninh vùng nông thôn, miền núi, vùng biên giới.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-cham-dut-viec-ban-thuoc-chua-benh-o-cac-phien-cho-vung-cao-post434161.html