Cần chấm dứt hiện tượng 'bia kèm lạc' trong nhà trường

Thấy tôi mang chiếc xe đạp cũ của con đến lắp thêm phụ kiện, ông sửa xe đầu ngõ cười khà, tấm tắc: 'Chú mua phụ tùng ở đây là sáng suốt vì tránh được chiêu 'bia kèm lạc' của cửa hàng, lại được bảo hành chu đáo'. Dừng lời, ông chuyển sang than phiền:

- Chú thấy đấy, cái chiêu “bia kèm lạc” để có lợi nhất không chỉ có ở mấy nhà buôn, mà nó có ở nhiều lĩnh vực khác.

Dĩ nhiên tôi không mấy để tâm đến câu nói có vẻ bâng quơ của ông.

Về nhà, đọc báo thấy hiện tượng lập lờ thông tin trong bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo đắt đỏ cho học sinh tại một số trường tiểu học, tôi mới giật mình về nhận xét của ông sửa xe. Tôi tự hỏi, liệu hiện tượng kiểu “bia kèm lạc” không mấy đẹp này có lặp lại trong ngành giáo dục?

Tìm hiểu kỹ từ nhiều nguồn thông tin, thấy rằng, hiện tượng bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” đã tồn tại từ những năm trước và đến đầu năm học 2020-2021 thì nó như "giọt nước tràn ly” vì đắt đỏ so với mặt bằng thu nhập của phần lớn người dân. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này đã phần nào làm lộ diện rõ hơn tính mục đích trong điều kiện ngành giáo dục quyết liệt chống lạm thu đầu năm học mới. Hiện tượng này cũng cho thấy ý thức “lách” cơ chế để hưởng lợi ở những nhà trường có tình trạng “bia kèm lạc” là khá rõ ràng, cho dù đã được những người có trách nhiệm khéo léo đá “quả bóng trách nhiệm” cho phụ huynh.

Xưa nay, với truyền thống trọng thầy, trọng tri thức và trọng nghĩa, phần đông các phụ huynh đều có tâm lý cố gắng lo cho con có điều kiện học hành tốt nhất, dù có phải dè sẻn, gác lại một số nhu cầu khác. Tâm lý ấy có thể đã bị lợi dụng ít nhiều trong các sự việc cụ thể ở các tầng mức khác nhau và khó được dư luận chấp nhận.

Thế nên, để chủ trương xây dựng nhà trường hạnh phúc của ngành giáo dục sớm hiện hữu, được nhân rộng, nhanh trở thành trào lưu, xu thế thì trước hết các nhà trường cần thực hiện triệt để các quy định của ngành một cách minh bạch hơn. Bởi nếu còn tư tưởng coi học sinh là “gà đẻ trứng vàng” để "kênh" giá hoặc muốn qua tổ chức dịch vụ độc quyền để được chiết khấu hoặc ăn phần trăm, nhằm tạo “quỹ riêng” cho nhà trường thì rất khó nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Cách làm kiểu “bia kèm lạc” là lệch lạc, cần phải chấm dứt ngay ở những nơi có sứ mệnh “trồng người”.

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/can-cham-dut-hien-tuong-bia-kem-lac-trong-nha-truong-635700