Cần chấm dứt hành vi xâm hại trẻ em: Hãy lên tiếng!

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội, hiện nay tình hình tội phạm xâm hại trẻ em (người dưới 16 tuổi) nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ, chăm sóc sự phát triển và tương lai của trẻ em, gây bức xúc lo lắng trong nhân dân.

Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển thì đây lại là môi trường có nhiều cạm bẫy đối với các bé gái khi các em còn chưa có đủ kỹ năng sống và chưa biết tự bảo vệ mình...

Xã hội càng phát triển càng nảy sinh nhiều nguy cơ

Cuối năm 2019, trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) xảy ra một vụ việc rất đau lòng. Qua mạng xã hội, cháu Đinh Thanh L. (sinh năm 2003, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã quen và yêu Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1996 trú tại phường Đại Kim, Hoàng Mai), dẫn đến có thai. Tháng 6/2019, do mâu thuẫn tình cảm nên cháu L. chia tay với Cường.

Một nhóm thanh niên vướng vòng lao lý khi quan hệ với bé gái quen qua mạng.

Một nhóm thanh niên vướng vòng lao lý khi quan hệ với bé gái quen qua mạng.

Đến tháng 9/2019 mẹ cháu L. phát hiện bụng của con gái to bất thường. Gia đình Cường lúc đầu cam kết sẽ làm đám cưới cho Cường và cháu L. Tuy nhiên sau đó gia đình bạn trai lại không thừa nhận cái thai nữa. Mẹ cháu L. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Cường đã bị khởi tố về hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi.

Một vụ xâm hại tình dục (XHTDTE) trên môi trường mạng từng gây xôn xao dư luận, khiến cho bị hại phải chịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần là vụ cháu B.P.T. (thường trú tại thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) bị người yêu và nhiều đối tượng khác hiếp dâm vào tháng 4/2017.

Thời điểm đó tuy mới 14 tuổi song T. đã có cơ thể phổng phao như người lớn. Qua mạng xã hội facebook, T. quen biết với Lê Hữu Cường (sinh năm 1998 trú tại xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Tối 3/4/2017, Lê Hữu Cường rủ cháu T. đi chơi và về nhà Cường. Tại phòng ngủ của Cường, đối tượng đã có hành vi XHTD với người yêu nhí. Trong nhiều ngày sau đó, Cường liên tiếp có hành vi xâm hại cháu T..

Đối tượng xâm hại trẻ em tại vườn chuối bị Công an Hà Nội khởi tố điều tra vào tháng 9/2020.

Tối 8/4/2017, sau khi uống rượu tại phòng trọ, Nguyễn Quang Khải (sinh năm 1990, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội - là bạn mới quen của Cường) đã đưa cháu T. đến nhà nghỉ Bảo Trang ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội thuê phòng để quan hệ tình dục. Ít ngày sau, cơ quan Công an đã bắt giữ Lê Hữu Cường và Nguyễn Quang Khải để điều tra về hành vi giao cấu với trẻ em.

Trong các vụ XHTDTE qua môi trường mạng, đa phần các đối tượng gây án đều có những thủ đoạn rất tinh vi. Đánh vào tình cảm còn non nớt của các bé gái, các đối tượng giở trò tán tỉnh, nói lời thề thốt yêu đương để sau đó rủ các cháu bé đi nhà nghỉ... Ngoài ra, cũng có không ít những trường hợp các đối tượng dùng vũ lực để ép buộc trẻ phải thực hiện hành vi quan hệ với đối tượng.

Có kẻ lại dùng thủ đoạn giả là bạn cùng giới tính, tỉ tê nói chuyện và dụ bé gái trao đổi ảnh khỏa thân. Sau đó, đối tượng sẽ dùng những bức ảnh đó để ép buộc bị hại phải chiều theo ý của đối tượng...

Mới đây nhất, đầu tháng 8/2020, Công an quận Cầu Giấy điều tra vụ Hiếp dâm người dưới 16 tuổi làm rõ đối tượng Trần Quang Sáng (sinh năm 2003, trú tại Hưng Nguyên, Nghệ An). Trước đó đối tượng Sáng và cháu N.Q.A (sinh năm 2008, thường trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy) quen biết nhau qua mạng xã hội.

Ngày 1/8/2020, Sáng gặp cháu Q.A. và thực hiện hành vi giao cấu tình dục với cháu tại vườn cây thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Vụ án hiện đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra.

Theo số liệu thống kê từ năm 2015 - 2019, toàn TP Hà Nội xảy ra hơn 400 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó hành vi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em xảy ra 286 vụ, 312 đối tượng, xâm hại 312 trẻ em. Trong đó có 39 vụ XHTD trên môi trường mạng, 45 đối tượng, xâm hại 39 trẻ em.

Tình hình tội phạm XHTE nói chung và XHTDTE trên môi trường mạng nói riêng luôn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Và đây chỉ là số vụ đã được phát hiện, điều tra và xử lý, thực tế còn rất nhiều vụ việc chưa được phát hiện do người bị hại không tố cáo.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tội phạm XHTDTE gia tăng có thể kể đến như: Thủ đô Hà Nội là đô thị lớn đang phát triển, dân cư đông đúc, số người ngoại tỉnh về lao động, học tập tăng nhanh, trong số đó có nhiều trẻ em, nhiều đối tượng hình sự. Đa số đối tượng thực hiện hành vi XHTE có mối quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân (hàng xóm, bạn bè, người yêu) vì vậy không mấy gia đình cảnh giác, đề phòng.

Nạn nhân thường là các cháu nhỏ, còn ít tuổi nên thiếu hiểu biết hoặc nhận thức còn hạn chế, thích tò mò tìm hiểu, không có đủ khả năng tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của các đối tượng. Cá biệt có những nạn nhân do ảnh hưởng của văn hóa phẩm đồi trụy và các tệ nạn xã hội, lười học tập, lao động, ăn chơi đua đòi, thích hưởng thụ, có lối sống buông thả.

Ngoài ra, còn do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức xã hội, môi trường xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị XHTD. Do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động bạo lực, phim ảnh đồi trụy trên Internet tác động đến lối sống không lành mạnh của một số bộ phận thanh thiếu niên. Một số gia đình có cuộc sống không hạnh phúc, cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ, quản lý con cái, gia đình tan vỡ hạnh phúc, con cái không được chăm sóc giáo dục và trở thành kẻ lang thang, hư hỏng.

Đặc biệt khi sự XHTDTE xảy ra, cha mẹ và những người có trách nhiệm thường muốn giấu do sợ ảnh hưởng uy tín danh dự gia đình và tương lai của các cháu, sợ bà con dân phố, xã hội miệt thị, thêu dệt, gièm pha hay khinh bỉ nên thường thỏa hiệp hoặc nhận bồi thường, đã tạo điều kiện để đối tượng không bị xử lý trước pháp luật.

Ngoài ra, cũng chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền và ban ngành, đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ví dụ: như tại các trường học, việc giáo dục kỹ năng phòng chống XHTE lứa tuổi học đường còn xem nhẹ hoặc chưa được triển khai nhiều.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi 15-24. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng nhưng cũng không thể đo đếm được về mức độ phổ biến, quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng.

Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (60%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng.

Khi trẻ em bị xâm hại từ môi trường mạng, nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể dễ dàng nhận thấy trẻ tự làm hại bản thân thông qua việc "bắt chước", nhận thách đố làm theo các hành vi nguy hiểm tới thân thể, thậm chí tự tử theo nhân vật ảo; trẻ có thể có những hành vi cực đoan, bạo lực, phân biệt đối xử, kỳ thị với người khác; trẻ tiếp xúc với những nội dung khiêu dâm, gạ gẫm, quấy rối tình dục; trẻ bị dụ dỗ tham gia cờ bạc trực tuyến, bị tống tiền tình dục, bị mua bán và bóc lột tình dục trong lữ hành và du lịch…

Để không còn những nỗi đau

Qua một thời gian theo dõi, ghi nhận nạn XHTDTE cũng như quá trình điều tra, khám phá của lực lượng chức năng, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các trẻ em bị xâm hại. Nhưng có một nguyên nhân khiến chúng tôi không khỏi cảm thấy đau xót là trong số những bé gái bị xâm hại thì có những bé vì "chín sớm", đã chủ động liên lạc với đối tượng tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Cần tổ chức nhiều buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức cho trẻ em phòng chống bị xâm hại.

Theo một chỉ huy phòng CSHS, công tác phòng chống nạn XHTDTE trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn gây án, xuất hiện số đối tượng gây án là người nước ngoài, người thân trong gia đình, giáo viên dạy học... rất khó khăn trong công tác phòng ngừa, phát hiện nên hầu hết các đơn vị mới chỉ điều tra xử lý các vụ việc khi có đơn tố giác của công dân.

Tội phạm XHTE nói chung và XHTDTE trên môi trường mạng nói riêng là loại tội phạm ẩn, rất khó bị phát hiện. Các vụ việc thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ hoặc đối tượng lợi dụng lúc vắng người để thực hiện hành vi phạm tội nên thường không có nhân chứng, sự việc xảy ra chỉ có đối tượng và bị hại biết nên thiếu những lời khai khách quan.

Bị hại là người dưới 16 tuổi nên chưa hoàn thiện về tâm lý và nhận thức, việc khai báo cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra rất hạn chế. Nhiều bị hại còn quá nhỏ không biết diễn đạt hành vi đối tượng, không nhớ được chi tiết nội dung sự việc…

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci, qua gần 20 năm hành nghề, ước lượng anh và cộng sự đã đại diện pháp luật cho hơn 100 bị hại là nạn nhân bị XHTD. Đa số trong đó đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Tiếp cận, theo đuổi hơn hàng trăm vụ việc nhưng LS Nguyễn Văn Tú phải đau xót thừa nhận những vụ việc thành công là không nhiều. Cũng theo LS Nguyễn Văn Tú, việc cùng lên tiếng và không thỏa hiệp là "chìa khóa" để đưa được những kẻ phạm tội ra ánh sáng, lấy lại công bằng cho các em.

Cũng với mong muốn giảm thiểu nạn XHTDTE, Công an TP Hà Nội khuyến cáo đến các cơ quan bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, các bậc phụ huynh... cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại, phương thức thủ đoạn hoạt tội phạm xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em trong nhân dân, chú ý tập trung tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường (nên tập trung nhiều vào bậc tiểu học đến trung học cơ sở). Cần thực hiện việc lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ vào các buổi học chính khóa.

Nâng cao nhận thức cho chính các thầy cô để truyền dạy cho các em học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình, hướng dẫn trẻ em có kỹ năng phòng vệ khi có dấu hiệu bị xâm hại tình dục như: Không đi chơi một mình nơi vắng vẻ, tuyệt đối không nói chuyện, nhận quà từ người lạ, không cho người lạ sờ vào vùng riêng tư nhạy cảm trên cơ thể.

Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình. Bố mẹ cần thường xuyên chia sẻ, trò chuyện với con cái để giúp trẻ nhận biết các mánh khóe của kẻ xấu, có kỹ năng đề phòng khi tham gia vào môi trường mạng. Mặt khác cần quan tâm con cái để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý của con cái mình. Cần trang bị cho con mình những hiểu biết và kỹ năng phòng vệ để tránh bị xâm hại.

Cần thực hiện "3 nhất" để bảo vệ trẻ em

Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra thông điệp, đó là cần thực hiện 3 cái nhất "Chúng ta phải thực hiện 3 'nhất' trong bảo vệ trẻ em.

Đó là phải phát hiện nhanh nhất, bất cứ ở đâu, nơi nào xảy ra vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em phải có cách tiếp cận ngay từ đầu. Thứ hai, phải xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Thứ ba là can thiệp nhanh nhất, tốt nhất cho trẻ em" - ông Dung nhấn mạnh.

M. Tiến - M. Trí

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/can-cham-dut-hanh-vi-xam-hai-tre-em-hay-len-tieng-612546/