'Cần câu' hy vọng

Với mong muốn giúp người khó khăn, yếu thế có nghề trong tay để cuộc mưu sinh bớt phần cơ cực, nhiều cá nhân, tổ chức chủ động mở lớp dạy nghề miễn phí. Bằng sự nhiệt tâm ấy, không ít người đã có việc làm ổn định, tự tin hơn với cuộc sống của mình.

7 năm đứng lớp truyền nghề

“Em đo đúng kích thước rồi đánh dấu lại, lúc cắt thì chừa một chút để gập mép vào cho đẹp”, bà Trần Thị Ngọc Phượng, chủ nhiệm Lớp may miễn phí Nhà thờ Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa nói vừa chỉ vào chiếc thước và thị phạm để cô học trò tên Mai nhìn khẩu hình làm theo. Mai, 19 tuổi - một cô gái bị câm điếc bẩm sinh (sống tại mái ấm An Bình, thuộc Nhà thờ Hàng Xanh) là một trong hơn 150 học viên mà bà Phượng hướng dẫn, chỉ dạy. Từ khi tham gia lớp học may tại nhà thờ, Mai tỏ ra có năng khiếu với nghề này. Biết may vá, Mai được các sơ trong nhà thờ nhận đơn đặt may áo dài, khăn và phụ kiện cho các giáo dân, từ đó giúp chị có thu nhập.

Giờ học gội đầu, massage trong chương trình dạy nghề cho phụ nữ khó khăn của L’Oreál

Giờ học gội đầu, massage trong chương trình dạy nghề cho phụ nữ khó khăn của L’Oreál

Ở Nhà thờ Hàng Xanh, mỗi khóa học may kéo dài 10 tháng, học buổi tối 4 ngày/tuần. Nhận lớp, nhận học trò, hàng ngày, bà Phượng lại thu xếp việc may vá, việc gia đình để đến lớp. Ở đây, người học được miễn phí hoàn toàn, kể cả dụng cụ thực hành và người dạy cũng là dạy miễn phí, không thù lao. Để học trò bắt kịp xu hướng, bà Phượng mày mò, cập nhật các mẫu thời trang mới để hướng dẫn học trò; đồng thời truyền đạt kinh nghiệm biến tấu các mẫu quần áo cũ thành những trang phục mới.

Bà Tuyết Trinh cho biết, trong năm 2021, chương trình tiếp tục mở rộng nhiều lớp dạy nghề đến các tỉnh khu vực ĐBSCL. Mục tiêu là giúp các gia đình khó khăn, phụ nữ bất hạnh có cơ hội ổn định cuộc sống, phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức nhiều khóa nâng cao tay nghề, để các học viên đã ra trường có cơ hội được cập nhật cái mới, luyện tay nghề ở mức cao hơn.

Thời gian dành cho lớp học tương đối nhiều nhưng chưa bao giờ bà Phượng thấy mệt mỏi. “Tôi cứ nghĩ, mình cố gắng một chút thì sẽ có thêm một người, một gia đình có nghề để mưu sinh. Tôi gọi đó là “cần câu” hy vọng, mà những gì thuộc về hy vọng thì khó làm người ta nản lòng”, bà Ngọc Phượng tâm sự. Nhiều học trò của bà đã thành thợ, mở nhà may sau 4-5 khóa học. Cũng có người theo học 1-2 khóa để mở tiệm sửa đồ hoặc đơn giản là để tự tay may những món đồ lưu niệm tặng gia đình, người thân.

Trước khi theo học lớp may và mở tiệm may đồng phục học sinh, chị Nguyễn Kiều Trang (ngụ TP Thủ Đức) làm công nhân. Chị Trang chia sẻ: “Lớp may dạy vào buổi tối, trong thời gian theo học, chúng tôi vẫn đi làm được nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Trước đây, tôi làm công nhân, sáng sớm đi làm, tối về ít có thời gian quan tâm đến nhà cửa, con cái. Nay tôi mở tiệm may đồng phục học sinh tại nhà nên có thêm thời gian lo cho gia đình mà thu nhập cũng ổn định”.

Việc làm ý nghĩa của Nhà thờ Hàng Xanh và bà Ngọc Phượng ngày càng có nhiều người trong nghề biết đến, thấu cảm, họ đem tặng vải để các học viên thực hành. Để những xấp vải ấy được sử dụng có ý nghĩa hơn, với mỗi mẫu may, bà Phượng và học trò đều cố gắng tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Sản phẩm nào đạt sẽ được xếp lại, đem tặng cho trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Vào dịp cận tết mỗi năm, những chuyến xe chở các phần quà, trong đó có những bộ quần áo của Lớp may miễn phí Nhà thờ Hàng Xanh lại lên đường, trao tận tay đến những hoàn cảnh khó khăn.

Đổi đời nhờ nghề làm đẹp

Trong lúc cắt tóc cho Thắm, chị Trần Mỹ Linh (quận 4, TPHCM) tranh thủ trò chuyện, hỏi thăm về cuộc sống. Nhờ đó, chị biết Thắm vừa đổ vỡ hôn nhân, đang làm giúp việc theo giờ để nuôi con trai 4 tuổi. Thấy Thắm yêu thích nghề làm đẹp, chị Linh giới thiệu chương trình “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” do Trung tâm dạy nghề L’Oreál tổ chức để Thắm được học nghề miễn phí. 3 năm trước, chị Linh cũng được trung tâm dạy nghề nên chị mới có cơ hội mở tiệm và làm chủ cuộc sống như hôm nay.

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại L’Oreál Việt Nam, người sáng lập chương trình “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” tại Việt Nam, chia sẻ, 12 năm trước, khi Tập đoàn L’Oreál muốn thực hiện một chương trình cộng đồng tại Việt Nam, bà trăn trở để tìm một hoạt động phù hợp mà ý nghĩa lâu dài. Nghĩ đến lợi thế tập đoàn đang có, bà Trinh đề xuất chương trình dạy nghề cho phụ nữ khó khăn. Sau khóa dạy nghề đầu tiên, 80 học viên ra trường với tay nghề vững, có việc làm và thu nhập, một số mở được tiệm làm tóc. Nhìn thấy sự thành công ấy, bà Trinh mạnh dạn đề nghị duy trì chương trình.

Ngày đó, bà Trinh chỉ nghĩ làm sao giúp phụ nữ có được cái nghề để làm chủ cuộc sống, ý thức nâng cao vai trò người phụ nữ. Sau nhiều năm, nhìn thấy chương trình đạt được nhiều thành quả, cuộc sống chị em ngày càng được nâng cao, bà Trinh tự tin nhân rộng chương trình. Đến nay, sau TPHCM, chương trình dạy nghề miễn phí cho phụ nữ khó khăn đã được tổ chức tại 10 tỉnh thành, giúp hơn 2.700 phụ nữ có việc làm ổn định, trong đó có nhiều phụ nữ ở các tỉnh miền núi xa xôi.

Không dừng lại ở đó, nghĩ đến chị em lầm lỡ tại các trại giam, bà Trinh lại đưa chương trình dạy nghề tóc, trang điểm, gội đầu vào dạy phụ nữ tại các trại giam. Nhờ đó, nhiều người có được nghề chân chính để khi hòa nhập cộng đồng tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, khi tham gia chương trình, học viên còn được tham gia các buổi trò chuyện cùng chuyên gia để hiểu hơn về vai trò, vị trí của người phụ nữ thời hiện đại. Nhờ đó, chị em tự tin hơn khi hiểu về quyền và sự tự chủ của mình. Chính điều đó đã tạo nên nét đẹp của chương trình, tạo cơ hội cho những phụ nữ trẻ hoàn cảnh khó khăn lấy lại sự tự tin, độc lập về tài chính.

HỒNG HẢI - VŨ TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-cau-hy-vong-722789.html