Cận cảnh thư tịch cổ trong kho lưu trữ tài liệu quốc gia triều Nguyễn

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa khai trương không gian Tàng Thơ Lâu và giới thiệu thư tịch cổ triều Nguyễn.

 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức vừa khai trương không gian Tàng Thơ Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần hồi sinh một trung tâm lưu trữ tư liệu từng mang tầm cỡ quốc gia và khu vực dưới thời nhà Nguyễn.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức vừa khai trương không gian Tàng Thơ Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần hồi sinh một trung tâm lưu trữ tư liệu từng mang tầm cỡ quốc gia và khu vực dưới thời nhà Nguyễn.

Tàng Thơ Lâu được xây dựng năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840). Khi đó, triều đình giao cho Thự thống chế Đoàn Đức Luận đứng ra chỉ huy khoảng 1.000 binh lính để thi công Tàng Thơ Lâu. Trải qua biến thiên của lịch sử, Tàng Thơ Lâu bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng, không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác. Các tài liệu lưu trữ tại đây bị chuyển đi nhiều nơi, cả ở trong nước và thất tán ra nước ngoài…

Ngoài việc khai trương không gian Tàng Thơ Lâu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng trưng bày, giới thiệu những thư tịch cổ triều Nguyễn.

Ba quyển Hoàng Triều Ngọc Điệp được chép tay ghi lại gia phả của hoàng tộc nhà Nguyễn.

Lại Duyệt Nhật Ký - cuốn sách của bộ Lại nhà Nguyễn ghi chép lại danh sách những người được thăng bổ, giáng đổi chức quan... vào thời vua Thành Thái; Duy Tân và Khải Định.

Châu Bản Triều Nguyễn (Điện Thái Hòa) ghi chép về quá trình trùng tu, sửa chữa các hạng mục, nguyên vật liệu cần dùng qua các triều vua Gia Long; Minh Mạng; Thiệu Trị; Tự Đức; Thành Thái; Duy Tân; Khải Định; Bảo Đại.

Châu Bản Triều Nguyễn (tập tấu của các Bộ, Nha - Thời vua Gia Long từ 1802 - 1817) gồm các văn bản do các Bộ, Nha ở Trung ương và địa phương dùng để tấu lên Hoàng thượng trong quá trình thực hiện chức trách.

Địa Bạ Triều Nguyễn (đời vua Gia Long năm thứ 14 ngày 13/12/1815) ghi địa bạ của xã Long Hồ (tổng An Ninh, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong) ghi chép vè ruộng đất công, tư; vườn ao, đất mồ mả, ruộng quan, trang trại, đất thực thu, đất hoang phế...

Ngự lịch (lịch vua dùng) là cuốn lịch âm dâng lên hoàng đế, do Khâm Thiên Giám biên soạn, mỗi triều vua chỉ có một cuốn Ngự lịch duy nhất. Trong hình là cuốn Ngự lịch niên hiệu Tự Đức năm thứ 36 (1883).

Ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thời gian tới, đơn vị hy vọng Tàng Thơ Lâu không chỉ là nơi lưu trữ tư liệu, trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa Huế mà còn là địa điểm kết nối những giá trị văn hóa của quá khứ với cuộc sống đương đại. Tàng Thơ Lâu sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch độc đáo, hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách gần xa khi đến thăm mảnh đất Cố đô.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtc.vn/anh-can-canh-thu-tich-co-trong-kho-luu-tru-tai-lieu-quoc-gia-trieu-nguyen-ar601258.html