Cận cảnh tàu đổ bộ hiện đại nhất của Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông

USS America là tàu đổ bộ tấn công hiện đại nhất của hải quân Mỹ, vừa được đưa sang khu vực Tây Thái Bình Dương tham gia vào lực lượng triển khai đón đầu của Hạm đội 7.

 Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ngày 21/4 xác nhận tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA 6) đã được triển khai đến Biển Đông. Cùng ngày, Reuters và trang tin Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) cho biết tàu USS America đang tiến đến tới khu vực có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8) và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần Malaysia.

Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ngày 21/4 xác nhận tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA 6) đã được triển khai đến Biển Đông. Cùng ngày, Reuters và trang tin Học viện Hải quân Mỹ (USNI News) cho biết tàu USS America đang tiến đến tới khu vực có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8) và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần Malaysia.

USS America là tàu đầu tiên của tàu đổ bộ thế hệ mới nhất của hải quân Mỹ. Các tàu sân bay trực thăng tấn công (LHA) lớp America là dự án thay thế cho 5 tàu LHA lớp Tarawa hiện đã dừng hoạt động. Chiếc thứ hai thuộc lớp America là USS Tripoli (LHA 7) sẽ được đưa vào biên chế trong mùa hè năm nay, theo thông báo của quân đội.

Khác với loại tàu đổ bộ có bãi đáp trực thăng (LHD), các tàu USS America và USS Tripoli được thiết kế với khoang chứa máy bay lớn hơn, tăng cường các cơ sở hạ tầng bảo trì hàng không, tiếp nhiên liệu, bỏ khoang hở để triển khai và thu hồi tàu đổ bộ cỡ nhỏ.

Tàu USS America có khả năng triển khai cả trực thăng tác chiến lẫn máy bay chiến đấu. Theo mô tả trên cổng thông tin của hải quân Mỹ, các tàu LHA có thể được xem là tàu sân bay cỡ nhỏ. Đây cũng là loại tàu tác chiến đổ bộ có kích thước lớn nhất.

USS America được chuyển từ cảng nhà San Diego, bang California, sang lực lượng đổ bộ triển khai đón đầu của Hạm đội 7, đóng ở Sasebo, Nhật Bản, từ tháng 12/2019. Tàu được biên chế vào Nhóm Tác chiến Viễn chinh số 7, thay thế cho tàu đổ bộ bãi đáp trực thăng USS Wasp (LHD 1) phải trở về cảng Norflok, Virginia, vào tháng 11/2019.

USS America có chiều dài hơn 260 m, lượng giãn nước hơn 44.400 tấn, tốc độ di chuyển tối đa 20 knot (hơn 37 km/h). Ý tưởng thiết kế ngay từ đầu cho lớp tàu đổ bộ America là phát huy tối đa năng lực tác chiến của F-35B, phiên bản dành cho thủy quân lục chiến của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ V.

Tàu cũng chở theo máy bay cánh lật đa năng MV-22 Osprey, trực thăng đa nhiệm hải quân MH-60S Sea Hawk, trực thăng vận tải CH-53E Sea Stallion, cùng các trực thăng tác chiến là AH-1Z Super Cobra và UH-1Y Huey. Tàu có khả năng vận chuyển hơn 1.600 quân với thủy thủ đoàn khoảng 1.200 người.

Tàu lớp America do được trang bị máy bay F-35B sẽ có năng lực tác chiến trên không vượt trội hơn so với các thế hệ tàu đổ bộ chế tạo trước đây. Lượng giãn nước của tàu cũng tương đương với tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp và tàu sân bay Ấn Độ.

Sau USS America và USS Tripoli, Mỹ đang triển khai đóng tàu đổ bộ thứ 3 thuộc lớp America là USS Bougainville. Tàu sẽ cải tiến thêm khoang hở để triển khai và thu hồi tàu cỡ nhỏ, có khả năng triển khai tác chiến lẫn đổ bộ hỗn hợp bằng đường không và đường biển.

Ngoài tàu USS America, hải quân Mỹ cũng xác nhận tuần dương hạm USS Bunker Hill đang hoạt động trên Biển Đông. Tàu chiến lớp Ticonderoga từng là tàu dẫn đầu đoàn hộ tống của tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt, đang tạm ngưng các hoạt động và cách ly nhân sự ở Guam vì dịch Covid-19.

Trước đó, vào ngày 24/3, Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và Nhóm tác chiến Viễn chinh USS America đã hội quân và đi chuyển qua biển Philippines. Đợt diễn tập đội hình hành quân còn có sự tham gia của tài chỉ huy USS Blue Ridge của Hạm đội 7.

Thanh Danh
Ảnh: Hải quân Mỹ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-canh-tau-do-bo-hien-dai-nhat-cua-my-dang-hoat-dong-tren-bien-dong-post1075977.html