Cận cảnh quá trình 'xẻ thịt' oanh tạc cơ Tu-22M3 để nâng cấp lên chuẩn Tu-22M3M

Truyền thông Nga mới đây đã đăng tải chùm ảnh về quá trình đại tu và nâng cấp máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 lên chuẩn Tu-22M3M tại Nhà máy hàng không Kazan.

Thời gian gần đây Không quân Nga đang triển khai nhiều dự án mua sắm trang bị vũ khí mới đi kèm với khôi phục và nâng cấp nhiều phương tiện chiến lược ra đời từ thời Liên Xô.

Một trong những dự án vũ khí tiêu biểu và đầy tham vọng của Nga chính là khôi phục và nâng cấp 30 máy bay ném bom siêu âm của hải quân Tu-22M3 lên chuẩn Tu-22M3M.

Những công việc cần thực hiện đối với một nền tảng vũ khí ra đời từ thập niên 1970 được đánh giá là không hề đơn giản, máy bay gần như bị "xẻ thịt" ra hoàn toàn rồi mới lắp ráp lại.

Các chi tiết của khung thân máy bay sẽ được đại tu lại toàn bộ, thậm chí thay mới những bộ phận đã bị ăn mòn, tất cả những điều này nhằm đưa chiếc oanh tạc cơ siêu âm trên trở lại thời kỳ "Zero Hour", tức là gần như mới sản xuất.

Theo ước tính thì sau nâng cấp, mỗi chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3M có thể phục vụ thêm tới 4 thập kỷ nữa, tức là tuổi thọ của nó có thể tới gần 100 năm, một con số quá ấn tượng.

Ngoài gia cố khung thân, gần như toàn bộ hệ thống điện tử hàng không của Tu-22M3M sẽ được thay thế, áp dụng công nghệ kỹ thuật số tinh vi thay cho công nghệ analog bán dẫn quá lạc hậu.

Các máy tính trang bị cho Tu-22M3M theo giới thiệu sẽ có cả trí thông minh nhân tạo, giúp tăng hiệu quả và độ chính xác của cuộc tấn công lên cao gấp 10 lần.

Sau nâng cấp, máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3M kết hợp cùng Tu-160M2 và Tu-95MSM sẽ giữ vững vị thế bộ ba tấn công hạt nhân trên không của Không quân nga.

Vũ khí đáng nói nhất sẽ được tích hợp cho Tu-22M3M chính là tên lửa hành trình siêu thanh Kh-32 có tầm bắn 1.000 km, trong tương lai nó sẽ còn được vũ trang với tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal.

Nhiệm vụ mới của Tu-22M3M được Nga xác định là tấn công tiêu diệt các cụm tác chiến tàu sân bay cũng như các mục tiêu trên biển và trên đất liền khác trong mọi điều kiện thời tiết.

Động cơ của Tu-22M3M cũng được thay thế từ loại NK-25 sang NK-32-02, đây cũng chính là "trái tim" của oanh tạc cơ Tu-160M2 có hiệu suất hoạt động vượt trội so với thế hệ cũ.

Một chi tiết cực kỳ đáng nói khác trên chiếc Tu-22M3M đó là nó đã được bổ sung cần tiếp dầu trên không, bộ phận này trước kia bị lược bỏ do hiệu lực của Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung.

Nhờ việc tái trang bị cần tiếp dầu trên không, Tu-22M3M giờ đây đã có thể thực hiện đòn tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương thay vì chỉ giữ vai trò máy bay ném bom của hải quân, chuyên diệt nhóm tàu sân bay như hiện nay.

Mặc dù tính năng lý thuyết rất ấn tượng nhưng theo đúng quy trình, Tu-22M3M còn phải được Không quân Nga tiến hành kiểm tra, đánh giá tính năng từ nay cho tới năm 2019 rồi mới quyết định có triển khai hàng loạt trên cả phi đội Tu-22M3 của mình hay không.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-can-canh-qua-trinh-xe-thit-oanh-tac-co-tu22m3-de-nang-cap-len-chuan-tu22m3m/782629.antd