Theo Defence Blog, trong ngày 18/9, truyền thông Ukraine đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh quân đội nước này sử dụng pháo phòng không tự hành Gepard để đánh chặn UAV cảm tử của Nga ở vùng Odessa.
Trong đoạn video, khẩu pháo phòng không của Gepard đã nhanh chóng bắn hạ UAV tự sát của đối thủ ngay khi mục tiêu xuất hiện trên bầu trời. UAV của Nga sau đó rơi xuống đất và bốc cháy dữ dội.
Đức đã gửi cho Ukraine 52 hệ thống phòng không Gepard. Ngoài ra, Kiev cũng nhận thêm 60 pháo phòng không Cheetah PRTL (phiên bản Hà Lan của Gepard) từ đầu năm nay.
Theo các binh lính Ukraine, Gepard là phương tiện vô cùng hữu hiệu trong việc đối phó với UAV Nga.
Vấn đề lớn nhất của loại vũ khí này là đạn dược hạn chế, do Thụy Sỹ (quốc gia duy nhất còn sản xuất đạn cho Gepard) muốn giữ vị thế trung lập trong cuộc xung đột.
Tuy vậy, vào đầu năm 2023, tập đoàn Rheinmetall đã dời nhà máy ở Thụy Sĩ về Đức, cam kết sẽ viện trợ đủ đạn dược cho các hệ thống Gepard đang vận hành ở Ukraine.
Pháo phòng không tự hành Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được phát triển trong thập niên 1960 và biên chế từ những năm 1970.
Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.
Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm.
Hai khẩu pháo 35 mm của Gepard cho thời gian bắn liên tục 37 giây trước khi hết đạn (với 680 viên đạn cho cả hai nòng). Sơ tốc đầu nòng của đạn đạt con số 1.440 m/s.
Pháo có kíp lái ba người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 550 km.
Pháo phòng không Gepard còn được trang bị 2 radar và máy đo laser nhằm tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu.
Ngoài phòng không, Gepard còn có thể đánh bại các mục tiêu mặt đất, kể cả xe bọc thép nhẹ ở khoảng cách lên đến 4,5 km thông qua đạn xuyên thép.
Hiện tại gói nâng cấp Gepard 1A2 được cho là có khả năng bắn đạn lắp ngòi điện tử định tầm nổ để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu, cùng với đó và việc tích hợp tên lửa phòng không FIM-92 Stinger trên tháp pháo.
Theo đánh giá từ giới chuyên gia, cho tới nay, Gepard 1A2 do Đức phát triển vẫn luôn giữ vững vị trí nằm trong top đầu thế giới.
Việt Hùng