Cận cảnh nước ngập đến tận nóc nhà, hàng trăm gia đình phải di dời tại Nghệ An

Ảnh hưởng bão số 4, từ đêm 16/8 đến sáng ngày 17/8, trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An vẫn tiếp tục mưa lớn khiến nhiều ngôi nhà ngập chìm trong biển nước.

Theo số liệu của đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 16/8 đến 7h ngày 17/8 phổ biến ở mức 110 - 250mm. Trong đó, lượng mưa đo được ở huyện Nghĩa Đàn là 279mm, Quỳnh Lưu 250mm, Quỳ Hợp 184mm…

Mặc dù bão số 4 đã tan thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên mưa tại các huyện miền núi Nghệ An vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Vì vậy, mực nước thượng nguồn sông Cả có xu thế lên nhanh.

Bản Xằng, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn nước đã dâng lên đến tận nóc nhà. Ảnh Đào Thọ.

Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn tiếp tục diễn ra khiến mực nước ở sông Nậm Nơn dự kiến dâng cao lịch sử.

Hiện, xã Mỹ Lý bị ngập 19 nhà, trong đó có 4 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước; xã Keng Đu phải di dời 2 nhà ra khỏi khu vực nguy hiểm; đường vào xã Tà Cạ bị ngập lúc sáng sớm và hiện đã bị cô lập; 2 cầu tràn ở xã Hữu Lập bị ngập sâu.

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã rồi các lực lượng biên phòng, quân sự, công an, cảnh báo di dời những hộ dân gần sông Nậm Mô và sông Nậm Nơn, nhất là các hộ bị sập nhà phải di dời tài sản đến vị trí mới, vị trí an toàn”.

Nước dâng lên khiến cả ngôi nhà chìm trong biển nước.

Hiện tại, trên địa bàn Mường Ải vẫn tiếp tục có mưa rất to, cộng thêm nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Nậm Típ đang dâng lên nhanh, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Nước lũ dâng cao hồi cuối tháng 7 đã xóa sổ hoàn toàn 1 dãy nhà công vụ của trường tiểu học Mường Ải. Hiện, dãy nhà hiệu vụ còn lại đang đứng trước nguy cơ bị cuốn xuống suối.

“Từ tối qua, các giáo viên trong trường đã chuẩn bị sẵn đồ đạc và luôn trong tinh thần có thể di dời bất cứ lúc nào”, thầy Lê Quỳnh Lưu, Hiệu trưởng trường tiểu học Mường Ải cho biết.

Bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý hiện đang bị ngập nặng. Ảnh: Hải Thượng.

Tại huyện Quỳ Hợp, mưa lớn đã gây ngập, sạt lở trên diện rộng tại các xã Châu Lý, Châu Thành, Châu Hồng... Tất cả cầu tràn trên địa bàn xã Châu Lý đã bị ngập sâu, gây chia cắt, cô lập hoàn toàn các bản trên địa bàn xã.

Cây cầu qua suối vào Đền Chọng, ngôi đền của người Thái ở Quỳ Hợp có nguy cơ bị cuốn trôi. Nhiều diện tích ao cá, lúa của người dân bị thiệt hại. Một số nhà dân đã bị đất đá làm hư hỏng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, nói: “Có những nơi ngập lụt tần suất 30 năm mới có một trận như thế này. Phía trên Châu Lý ngập hết rồi, toàn bộ Đền Chọng ngập tràn lan, đang lo cầu vào Đền Chọng hỏng mất bởi có những cây rất to trôi về mắc vào rất nguy hiểm”.

Nhiều xã Quỳ Hợp nước vào sâu trong nhà dân. Ảnh: Minh Nguyệt.

Tại huyện Quỳ Châu, 7 hộ dân thuộc xã Châu Phong cũng đã được di dời đến nơi an toàn do nước Khe bản Chiềng dâng cao. Hiện chính quyền các địa phương đang nỗ lực cắt cử người túc trực thường xuyên tại các điểm sạt lở, ngập lụt để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Lực lượng cứu hộ sẵn sàng 24/24 để kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm xảy ra nếu có.

Nước bắt đầu tràn vào nhà tại huyện Quỳnh Lưu.

Người dân phải di dời đồ đạc lên chỗ cao ráo. Ảnh: Việt Hùng.

Mưa lớn cũng đã khiến 168 hộ dân tại huyện Quỳnh Lưu bị nước tràn vào nhà, làm ngập 408ha lúa, 320ha hoa màu, chết gần 1.700 con gia cầm và 30 con lợn do không kịp sơ tán. Đoạn đê biển dài 350m thuộc huyện Quỳnh Lưu cũng đang đứng trước nguy cơ bị vỡ; 7.200m kênh tiêu thủy lợi bị hư hỏng, 1.400m đê ngăn bị sạt lở.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-canh-nuoc-ngap-den-tan-noc-nha-hang-tram-gia-dinh-phai-di-doi-a382466.html