Cận cảnh những ngôi nhà trực chờ bị 'hà bá' nuốt chửng

Sau mữa lũ, dọc bờ sông Gianh, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, 'ăn' sát vào nhà dân, gây nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, do mưa lớn, huyện Tuyên Hóa có 1.403 ngôi nhà bị ngập, 3.110 nhà bị cô lập, một nhà bị sập; phải di dời 422 hộ/1.575 khẩu. Một người bị lũ cuốn mất tích, 4 người khác bị thương, gần 7 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Trong đó, xã Đức Hóa có 40 hộ bị ngập lụt, nhiều đoạn đường bị nước xói lở trôi, ước tính thiệt hại lên đến gần 2 tỷ đồng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của mưa lũ mấy ngày qua, trên địa bàn huyện này đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc bờ sông Gianh gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Sạt lở tiến sát vào nhà dân.

Sạt lở tiến sát vào nhà dân.

Theo quan sát, tại xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, cả một đoạn bờ sông dài hơn 100m bị sạt lở, kéo theo mái hiên cùng nhiều vật dụng của các hộ gia đình sống cạnh sông.

Điểm sạt lở tạo thành một bờ sâu thẳng đứng ngay sát chân tường nhà ông Mai Tân, băng qua sân nhà anh Mai Lượng, làm sập mái hiên nhà anh Mai Trung rồi lan sang hai bên, ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ gia đình.

Điểm sạt lở nghiêm trọng "ăn" sát vào tận chân tường của nhà dân.

Được biết, sau khi nước lũ trên sông Gianh rút thì xuất hiện một vết nứt kéo dài hơn 100 mét cạnh bờ sông và sát ngay nhà dân. Là người đầu tiên phát hiện ra vết nứt, anh Mai Trung cho biết, vệt nứt kéo dài theo bờ sông xuất hiện ngay sau khi nước rút, nhận định chắc chắn bờ sông sẽ sạt lở nên người dân đã di dời một số vật dụng đến nhà khác.

Anh Mai Trung lo lắng: “Khi thấy xuất hiện vệt nứt tôi đã báo với chính quyền địa phương. Trong ngày 6/9, một số cán bộ huyện và xã đã về kiểm tra, khuyên người dân tạm di dời sang chỗ khác ở nhưng không ngờ lại sạt lở nhanh đến thế. Khoảng 20h cùng ngày, nghe thấy tiếng rào rào rồi cả đoạn bờ sông đổ ụp xuống, tôi ra xem thì thấy phần đất bị lở thấp hơn nền nhà khoảng hai mét, mái hiên cũng bị cuốn theo".

Có 8 nhà dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ngay trong đêm, các hộ dân có nhà nằm gần điểm sạt lở đã di chuyển người và tài sản quan trọng sang các nhà khác trong thôn. Nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa và xã Đức Hóa cũng đã có mặt tại điểm sạt lở để chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an toàn và ổn định đời sống cho người dân.

Những hộ dân tại thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa cho biết, tình trạng sạt lở tại đây đã diễn ra nhiều năm nay, đặc biệt là cứ vào mùa mưa lũ thì điểm sạt lở lại càng tiến sát nhà hơn.

Những ngôi nhà chênh vênh trực chờ bị "hà bá" nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Theo ghi nhận, vết nứt này có chiều dài khoảng 100m, nơi rộng nhất từ sông bờ là khoảng 15m, vết nứt rộng khoảng 2cm. Hiện tượng sụt lún, xuất hiện vết nứt này diễn ra sau khi nước lũ trên sông Gianh đang xuống. 8 hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiết gồm: Mai Tân, Mai Trung, Mai Lượng, Mai Minh, Mai Thuyết, Mai Trọng, Mai Thị Hóa và Phạm Quang Trung. Hiện, cả người dân và chính quyền địa phương đang hết sức lo lắng khi mùa mưa lũ đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở còn có thể tiếp diễn.

Ông Võ Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: “Trước mắt phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các hộ có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp. Giải pháp hiện nay là bố trí các gia đình đến ở nhờ nhà bà con, anh em. Còn lâu dài phải báo cáo lên cấp trên xin hướng giải quyết, không thể để người dân sống bên mép sông như thế này rất nguy hiểm”.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-canh-nhung-ngoi-nha-truc-cho-bi-ha-ba-nuot-chung-a448330.html