Cận cảnh những cây cầu đẹp lung linh khi về đêm của Việt Nam

Những cây cầu là công trình giao thông đặc biệt, là điểm nhấn của không gian đô thị. Trong đêm, những cây cầu càng đẹp hơn trong ánh sáng lung linh.

Cầu Thê Húc, là cây cầu nhỏ nối liền bờ Hồ Gươm vào cổng đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc ở Hồ Gươm, Hà Nội. Cầu Thê Húc ban đầu được dựng bằng gỗ, đã trải qua nhiều lần trùng tu, tái thiết. Hiện tại phần thân cầu vẫn được làm bằng gỗ nhưng trụ cầu là bê tông; tất cả được sơn son. Trong đêm cây cầu tỏa ánh sáng màu đỏ rực rỡ, làm nên điểm nhấn đẹp tuyệt trong không gian Hồ Gươm.

Cầu Thê Húc, là cây cầu nhỏ nối liền bờ Hồ Gươm vào cổng đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc ở Hồ Gươm, Hà Nội. Cầu Thê Húc ban đầu được dựng bằng gỗ, đã trải qua nhiều lần trùng tu, tái thiết. Hiện tại phần thân cầu vẫn được làm bằng gỗ nhưng trụ cầu là bê tông; tất cả được sơn son. Trong đêm cây cầu tỏa ánh sáng màu đỏ rực rỡ, làm nên điểm nhấn đẹp tuyệt trong không gian Hồ Gươm.

Cầu Long Biên (Hà Nội) là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng. Cầu được xây dựng từ năm 1899 – 1902, do hãng Daydé & Pillé (Pháp) thiết kế và thi công. Cầu Long Biên được coi là biểu tượng văn hóa của thủ đô với những thăng trầm lịch sử. Cầu không có hệ thống chiếu sáng trang trí nhưng với hệ thống chiếu sáng của giao thông, cầu Long Biên trong đêm vẫn mang một vẻ đẹp cũ kỹ, u hoài.

Cầu Nhật Tân – cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa phận Hà Nội, bên làng hoa đào Nhật Tân. Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng có 5 trụ tượng trưng cho 5 cửa ô Hà Nội, cũng là 5 cánh hoa đào, hoàn thành xây dựng năm 2015. Tháng 5/2017, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cầu Nhật Tân chính thức hoạt động với 1.100 đèn led và 16 triệu gam màu; cây cầu trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách và người dân thủ đô.

Cầu Bính (Hải Phòng) là cây cầu bắc qua sông Cấm nối liền trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên và đi ra Quảng Ninh. Cầu Bính có kết cấu dây văng với 2 trụ; được khởi công năm 2002 và hoàn thành năm 2005.

Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) là cây cầu nằm trên trục quốc lộ 18, nối liền hai phần của thành phố Hạ Long là Bãi Cháy và Hòn Gai, bắc qua vịnh Cửa Lục đổ ra vịnh Hạ Long. Cầu được hoàn thành và thông xe tháng 12/2006. Cầu Bãi Cháy là cây cầu dây văng 2 trụ dây, với khoảng tĩnh không là 50m, cao nhất trong các cây cầu ở Việt Nam.

Cầu Nhật Lệ (Quảng Bình) nằm ở thành phố Đồng Hới, nối trung tâm thành phố với bán đảo Bảo Ninh, bắc qua cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển. Cầu Nhật Lệ được khởi công xây dựng năm 2002, hoàn thành năm 2004; là mơ ước của người dân Bảo Ninh biết bao đời. Sự cách đò trở giang trước đó đã làm cho vùng đất này trở thành “vùng sâu, vùng xa”. Đây là cây cầu bê tông cốt thép và cũng có hệ thống chiếu sáng trang trí đổi màu.

Cầu Trường Tiền – được coi là biểu tượng, nét thơ xứ Huế. Cầu Trường Tiền là một trong những cây cầu thép đầu tiên người Pháp xây dựng ở Việt Nam. Cầu bắc qua sông Hương trên địa phận thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên – Huế) được khởi công năm 1897 và hoàn thành năm 1899. Từ Festival Huế năm 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại, điều khiển bằng phần mềm lập trình. Đây là cây cầu đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đổi màu. Khi chiều buông, cũng là cây cầu bắt đầu rực rỡ huyền ảo trong ánh đèn.

Cầu sông Hàn (Đà Nẵng) hay còn được gọi là cầu quay sông Hàn vì cây cầu có một trụ quay nằm giữa dòng có thể quay dọc một đoạn cầu vuông góc với hướng dòng chảy để tạo khoảng trống cho tàu thuyền đi qua. Cây cầu này được nhân dân góp tiền xây dựng, là sự khởi đầu tốt đẹp cho những cây cầu sau này bắc qua sông Hàn ở thành phố Đà Nẵng. Cầu có hệ thống chiếu sáng trang trí ở những trụ cầu và chiếu sáng đổi màu ở những cáp dây văng.

Cầu Rồng, bắc qua sông Hàn ở thành phố Đà Nẵng, là một kiến trúc khá đặc biệt mô phỏng một con rồng đang hướng ra phía biển. Công trình được khởi công vào tháng 7/2009 và khánh thành vào tháng 3/2013. Cây cầu được coi là biểu tượng mới của thành phố Đà Nẵng. Trong đêm, hệ thống chiếu sáng trang trí làm nổi bật hình rồng.

Cầu Trần Thị Lý, bắc qua sông Hàn ở thành phố Đà Nẵng, cách cầu Rồng khoảng 1km về phía thượng lưu. Cầu được xây dựng thay thế cầu Trần Thị Lý cũ cùng vị trí. Cầu Trần Thị Lý là cây cầu hiện đại với kiến trúc và kết cấu độc đáo khi sử dụng hệ dây văng 3 chiều kết hợp trụ tháp nghiêng 12 độ về phía tây, cao 145m so với mặt nước biển, gối ngàm cứng độc đáo nhất Việt Nam. Với thiết kế độc đáo, cây cầu như cánh buồm căng gió vươn khơi xa. Trong đêm, cây cầu nổi bật với cánh buồm đỏ rực.

Cầu Thuận Phước, bắc qua cửa sông Hàn ở thành phố Đà Nẵng, nối trung tâm thành phố - quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà. Công trình được khởi công vào tháng 1/2003 và hoàn thành vào tháng 7/2009. Đây là cây cầu lớn có kết cấu dây võng đầu tiên ở Việt Nam. Cầu dài 1856m và hiện tại cũng là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Cây cầu được lắp đặt hệ thống chiếu sáng trang trí bám theo hệ kết cấu làm nổi bật hình dáng cầu trong đêm

Cầu Thuận Phước và một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ núi Sơn Trà.

Cầu Chùa, hay được quen gọi là Chùa Cầu, là một công trình kiến trúc nhỏ đặc sắc nằm trong khu phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới. Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16 bởi các thương nhân Nhật Bản. Năm 1653, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa, làm cho mặt bằng công trình có hình chữ T; nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu. Công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, là viên ngọc quý của phố Hội.

Cầu Phú Mỹ, là cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối Quận 2 và Quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình khởi công tháng 9/2005 và khánh thành vào tháng 9/2009. Cầu có kết cấu dây văng với 2 trụ, có độ tĩnh không khá lớn (45m). Cây cầu được coi là một trong những công trình biểu tượng của thành phố trong thời kỳ phát triển.

Cầu Ánh Sao (Starlight Bridge) là cầu chỉ dành cho người đi bộ để ngắm cảnh và cũng là cây cầu bộ hành hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Cầu tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, bắc qua rạch Thầy Tiêu nối khu Hồ Bán Nguyệt với khu kênh đào. Cầu được gọi là cầu Cầu Ánh Sao vì trên bề mặt cầu được thiết kế với những ánh đèn led chiếu ngược lên, tạo cho người đi trên cầu có cảm giác đang bước đi trên muôn ngàn những vì sao. Ngoài ra, hai bên hông cầu có hệ thống phun nước và ánh sáng bảy màu liên tục thay đổi, tạo nên khung cảnh rực rỡ và cuốn hút.

Thác nước chảy ở cầu Ánh Sao trong ánh đèn màu.

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Công trình được khởi công tháng 9/2004 và được khánh thành tháng 4/2010. Đây là cây cầu huyết mạch nằm trên tuyến đường quốc lộ 1A ở đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Cần Thơ có kết cấu dây văng với hai trụ, trong đó nhịp giữa rất lớn (550m). Tại thời điểm khánh thành tháng 4/2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á. Tháng 12/2015, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cầu Cần Thơ được đưa vào hoạt động. Ban đêm, cây cầu trở thành một điểm nhấn lung linh trên dòng sông Hậu mênh mông.

Theo CTV Hà Thành/VOV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/can-canh-nhung-cay-cau-dep-lung-linh-khi-ve-dem-cua-viet-nam-1527457.html