Cận cảnh những biện pháp chống ngập lụt độc đáo, hiệu quả trên thế giới

Những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hà Lan, Singapore, Malaysia... có những biện pháp rất độc đáo để đối phó với tình trạng ngập lụt.

Trước tình trạng ngập lụt, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã có nhiều biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Đi đầu trong những nước có các công trình chống lụt nổi tiếng có Hà Lan, Nhật Bản, Malaysia...

Hầm thoát nước dài 9,7km

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia thường xuyên phải đối diện với tình trạng lụt do nơi đây gần hợp lưu của 2 dòng sông lớn tại Malaysia. Do đó, chính quyền nước này đã tiến hành xây dựng một đường hầm “2 trong 1” với công dụng thoát lũ và phục vụ giao thông. Đường hầm có tên Stormwater Management and Road Tunnel, viết tắt là SMART.

SMART trông giống như những hệ thống hầm giao thông khác.

Nhưng hầm còn có chức năng thoát nước đặc biệt.

Trong điều kiện khô ráo, đường hầm sẽ được sử dụng bình thường để xe cộ lưu thông qua lại. Khi xảy ra tình trạng ngập, các phương tiện sẽ bị cấm đi qua hầm bởi khi đó nó biến thành một con kênh thoát nước để những con đường phía trên không bị ngập.

Hầm dài 9,7km, rộng 13m, có kinh phí xây dựng 500 triệu USD và được đánh giá là một trong những công trình thoát lũ hiệu quả đầu tiên trên thế giới.

Cống ngầm khổng lồ tại Nhật

Trong khi các quốc gia tìm cách nâng cao nền các công trình để chống ngập lụt thì tại Nhật Bản, các kỹ sư, chuyên gia tìm cách đẩy nước xuống lòng đất.

Năm 1993, Chính phủ Nhật Bản cho xây dựng kênh thoát nước ngầm mang tên Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel. Đây là hệ thống thoát lũ dưới lòng đất lớn nhất thế giới, nằm dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng ở ngoại đô Thủ đô Tokyo.

Cống ngầm khổng lồ.

Công trình này nằm sâu 50m dưới lòng đất, gồm 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m, nối với nhau bằng hệ thống ống dài 6,3km, đường kính 10m. Nước thoát ra sẽ được đẩy vào một tháp điều áp cao 25m, dài 177m, rộng 78m – còn được gọi với cái tên “ngôi đền dưới lòng đất”. Sau đó, nước từ đây sẽ được máy bơm công suất lớn đẩy ra sông Endo. Máy bơm có thể rút 200 tấn nước mỗi giây, tương đương với một bể bơi 25m.

Nhờ có công trình này, Thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng những khu vực lân cận đã tránh được tình trạng lụt lội trong nhiều năm qua.

Công trình này có tổng kinh phí thi công lên đến 3 tỷ USD.

Đập, kè ngăn nước tại Hà Lan

Nhắc tới quốc gia “sống chung với lũ” thì không thể không nói đến Hà Lan. Quốc gia này có 2/3 diện tích nằm ở vị trí thấp hơn mực nước biển và 1/3 diện tích của Hà Lan có nguy cơ bị biến mất hoàn toàn nếu không được hệ thống đập, kè, đê bao bọc.

Công trình Delta Work của Hà Lan.

Một vấn đề lớn của Hà Lan là phải tìm cách để không cho nước biển dâng quá sâu vào đất liền cũng như giải pháp để chịu tác động ít nhất từ những trận bão biển.

Để làm được điều đó, chính quyền Hà Lan từ những năm 1950 đã triển khai kế hoạch mang tên Delta Work, xây dựng một hệ thống đê, kè, đập, cống... hình thành nên một hành lang chặn lụt để bảo vệ các vùng đồng bằng trước nguy cơ nước biển dâng.

Nhiều cửa cống có khả năng đóng mở linh hoạt như một phương tiện giúp tàu thuyền qua lại và cũng là công cụ để chống bão biển trong trường hợp thời tiết chuyển biến khó lường.

Còn ở đất liền, Hà Lan triển khai xây dựng hệ thống kênh rạch, sông hồ chứa nước chống ngập, lắp đặt máy bơm, cối xay gió để điều tiết nước mưa và nước sông một cách hợp lý.

Ngoài ra, Hà Lan còn xây dựng những đập nước có khả năng vừa chặn lũ vừa tạo ra điện. Đây cũng là mô hình được nhiều nước áp dụng.

Đập Hagestein Weir là một trong ba đập nước như vậy nằm trên sông Rhine của Hà Lan, có hai cổng vòm điều khiển dòng nước và lợi dụng sức nước để tạo điện cho ngôi làng ở gần đó.

Hồ chứa nước nhân tạo Singapore

Ở Singapore, chính quyền vừa chống lụt, vừa tìm cách tiết kiệm nguồn nước ngọt quý giá để đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người dân.

Đập Marina Barrage.

Cụ thể, nước này đã cho xây dựng các hồ trữ nước trên cả nước, trong đó đáng chú ý là hồ chứa nhân tạo được hình thành bởi con đập Marina Barrage bắc qua miệng kênh Marina. Công trình này có chi phí 2,2 tỷ USD, không chỉ có tác dụng chống lụt và trữ nước mà còn là một địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch.

Đập Marina gồm có các cổng và máy bơm, gồm 9 cổng thép cao 5m, rộng 30m trên thành đập, trải dài trên con kênh rộng 350m với 7 máy bơm có công suất hút 280 mét khối nước mỗi giây.

Hệ thốn này giúp giảm hẳn tình trạng ngập lụt ở các khu vực nằm ở vị trí thấp của Singapore.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nhung-bien-phap-chong-ngap-lut-doc-dao-hieu-qua-tren-the-gioi-a380517.html