Cận cảnh 'ma trận' nút bấm trên chiếc vô lăng trị giá 1,2 tỉ của xe đua F1

Cách đây chừng hơn nửa thế kỷ, vô lăng xe đua F1 có nhiệm vụ duy nhất là điều khiển hướng đi của chiếc xe. Ngày nay, vô lăng F1 đã được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và rắc rối, và có giá thành không hề rẻ chút nào.

Trong quá trình một mùa giải diễn ra, vô lăng F1 có thể thay đổi rất nhiều dựa vào phản ánh của tay đua và những tùy chỉnh của đội đua nhưng hệ thống nút bấm và công tắc sẽ không có nhiều thay đổi, nếu có chỉ là thay đổi về bố cục và vị trí mà thôi.

Chiếc vô lăng không còn đơn thuần là điều khiển xe nữa, mà nó được tích hợp rất nhiều công nghệ

Chiếc vô lăng không còn đơn thuần là điều khiển xe nữa, mà nó được tích hợp rất nhiều công nghệ

Một chiếc vô lăng xe đua F1 gồm có màn hình và khoảng 30 nút bấm, xoay. Hệ thống “ma trận” nút bấm này giúp tay đua kiểm soát mọi thứ từ chuyển số, chỉnh phanh hay kích hoạt tối đa hiệu suất động cơ.

Chức năng được sử dụng nhiều nhất của chiếc vô lăng F1 là lên và xuống số. Theo ước tính, các tay đua lên và xuống số trung bình 2.750 lần ở mỗi vòng đua. Tại giải đua xe công thức 1 được tổ chức ở Singapore, các tay đua thậm chí lên và xuống số tới 4.270 lần.

Điểm khác biệt dễ thấy nhất của vô lăng xe đua F1 với vô lăng xe hơi thường là nó không mang dạng tròn. Lý do của việc này sẽ được Gerhard Berger - cựu tay đua F1, hiện đang là đồng chủ nhân của đội Toro Rosso - giải thích sau.

Gần đây, hình dạng đặc biệt này được các hãng xe lớn dần áp dụng trên các phiên bản xe hơi thông thường. Phía sau vô lăng là tai gạt để chuyển đổi cấp số và chi tiết này cũng đã xuất hiện trên nhiều dòng xe thể thao, thậm trí là cả ở các dòng limousine đời cao.

Vô lăng F1 không có còi, không có túi khí nhưng đổi lại, các tay đua có thể điều chỉnh được nhiều tính năng của động cơ và của xe, trong đó có một số tính năng mà bạn không thể điều chỉnh nổi trên xe hơi của bạn, kể cả khi bạn mang xe vào ga-ra tháo tung ra.

Vì ca-bin xe đua chật chội nên mỗi khi chui ra chui vào, các tay đua đều phải tháo vô-lăng khỏi trục lái. Theo quy định của FIA, mỗi khi bước ra khỏi xe đua trong các trường hợp gặp sự cố, các tay đua đều phải nhanh chóng lắp lại vô-lăng vào vị trí cũ để giúp đội cứu hộ đưa xe đến nơi an toàn.

Một chiếc vô lăng có giá 40 nghìn Bảng Anh, khoảng 1,2 tỷ đồng

Một chiếc vô lăng được làm từ sợi carbon, bọc cao su chống trượt cùng những công tắc, màn hình, đèn báo lên số cùng hầu hết tất cả những công cụ điều khiển thường có giá cỡ 40 nghìn Bảng Anh, khoảng 1,2 tỷ đồng. Con số này thực tế là rất nhỏ so với cái giá 14 đến 15 triệu USD để phát triển và sản xuất một chiếc F1 để thi đấu trong mỗi mùa giải.

Vì sao nó lại đắt đến thế? Đầu tiên là ở vật liệu sản xuất. Sợi carbon không hề rẻ. Tiếp đến là phần cứng. Bên trong chiếc vô lăng có hệ thống chip xử lý, điều khiển, thu nhận tín hiệu y hệt như một chiếc máy tính vậy. Scuderia Ferrari nhờ đến sự trợ giúp của AMD để làm hệ thống xử lý bên trong vô lăng.

Thế Hiệp (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-canh-ma-tran-nut-bam-tren-chiec-vo-lang-tri-gia-12-ti-cua-xe-dua-f1-a478978.html