Cận cảnh khu trung tâm Hòa Bình sắp bị phá bỏ của Đà Lạt xưa và nay

Mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Mặc dù dự án vẫn chưa chính thức đi vào triển khai, nhưng chắc chắn sau lần quy hoạch này, 'diện mạo' Đà Lạt sẽ có nhiều đổi thay. Hãy cùng ngắm nhìn lại 'Thành phố Buồn' qua những lần quy hoạch trước đây.

 Mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Đồ án này nằm trong định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt (nguồn: Zing)

Mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Đồ án này nằm trong định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt (nguồn: Zing)

Theo đồ án quy hoạch mới, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt; phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản)

Quy mô dân số, hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ); với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch gần 6.900 người. Với ý tưởng chủ đạo của quy hoạch chung Đà Lạt là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, chú trọng không gian xanh

Theo đó, rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm

Rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ chuyển đổi thành rạp chiếu phim. Khu này từng là chợ chính của thành phố Đà Lạt, sau này được xây dựng khu chợ Mới và đập bỏ khu chợ cũ (chợ Cây). Chợ Mới Đà Lạt nằm trong khu Hòa Bình dần trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất thành phố

Trong đó có nhiều tiệm, thợ sửa đồng hồ, bật lửa đã kinh doanh, hành nghề tại đây trên dưới 40 năm

Cũng theo quy hoạch, dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi Dinh sẽ di dời nguyên khối để xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn. Đây là nơi có vị trí cao nhất khu vực, có thể nhìn bao quát được xung quanh, bao gồm cả hồ Xuân Hương...

Khi quy hoạch xây dựng lại trung tâm, chợ Đà Lạt là công trình còn lại được giữ nguyên vẹn. Ngôi chợ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế có không gian hướng về hồ Xuân Hương, phía trước có khoảng không gian vòng xoay khá lớn

Hiện, nhiều khu vực trong khu trung tâm Hòa Bình, các công trình lớn, nhỏ, kiến trúc hiện đại mới được xây dựng nằm cạnh những khu dân cư khá nhếch nhác, kiến trúc nhà cửa lộn xộn

Những dãy phố cổ được xây dựng vào những năm 20-30 của thế kỷ trước xung quanh khu Hòa Bình đã dần biến mất, số ít còn lại ẩn khuất giữa vô số "mạng nhện" bảng hiệu

Duy nhất chỉ còn dãy nhà cổ phía sau rạp Hòa Bình còn tương đối về hình hài dù đã bị xuống cấp rất nhiều. Trong đó, bức tường vàng Cối xay gió của ngôi nhà cổ lâu nay trở thành điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ, du khách tới Đà Lạt

Đường phố khu vực trung tâm Đà Lạt cách đây chừng 50 năm về trước mang nét đẹp cổ điển, đồng bộ về kiến trúc. Khi chưa bị đô thị hóa, góc phố Đà Lạt đặc trưng với những ngôi nhà kiểu Pháp, biệt thự cổ nằm trọn giữa rừng thông xanh (Nguồn: Vietnamnet; Ảnh: Sandy1618)

Thành phố tình yêu năm xưa thoáng đãng, không có bóng dáng xe máy lộn xộn, chưa nhiều người tứ xứ đổ về, thưa khách du lịch check-in. Ngày nay, những nét xưa của Đà Lạt vẫn còn nhưng không nhiều, hơn nữa lại lẫn lộn cùng những khách sạn, hàng quán, nhà ở xây mới không đồng nhất về mặt kiến trúc (Ảnh: Doi Kuro)

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt trước kia là trường Grand Lycee Yersin, được người Pháp thành lập năm 1927. Hiện, ngôi trường là điểm check-in quen thuộc thu hút giới trẻ khi ghé Đà Lạt (Ảnh: Manh Hai)

Một góc thành phố mờ sương trong bức không ảnh. Những ngôi nhà ngói thấp thoáng trong sương sớm, xen kẽ giữa rừng thông, từng là hình ảnh đẹp đặc trưng của Đà Lạt. Vẻ đẹp này đang dần mất đi, thay thế bằng những cao ốc lẫn lộn về hình dáng, màu sắc (Ảnh: Ron Sanders)

Chợ Đà Lạt thập niên 60 thế kỷ trước là nơi giao thương, mua bán tấp nập của thành phố, nhưng vẫn toát lên dáng vẻ bình dị. Chợ Đà Lạt hiện tại cứ vào mùa cao điểm lại rất đôngjdu khách từ khắp nơi đổ về, mang theo cảnh tượng chật chội, phá vỡ đi hình ảnh dung dị của khu chợ năm nào (Ảnh: Anthony LaRusso)

Hồ Xuân Hương là địa điểm tượng trưng cho vẻ đẹp yên bình của Đà Lạt. Đây là hồ nhân tạo, nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua. Từ ngày được xây dựng, hồ là điểm tham quan được thu hút du khách (Ảnh: Sandy1618)

Một bức ảnh chụp Đà Lạt từ trên cao, thành phố yên bình nằm gọn giữa đồi núi. Ngày nay, đô thị xâm lấn, nhiều rừng thông trong thành phố không còn nguyên vẹn, nhường chỗ cho những công trình phục vụ nhu cầu du lịch, nhà ở của người dân (Ảnh: L.R. Rhodes)

Ngôi biệt thự hoa giấy trong bức hình của nhiếp ảnh gia Warren G. Reed hiện không còn nữa, thay thế vào đó là khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt. Biệt thự Pháp cổ vốn là một trong nhiều hạng mục công trình kiến trúc làm nên nét riêng của thành phố ngàn hoa. Ngày nay, biệt thự cổ trong thành phố bị mai một dần, khuất lấp sau những dãy nhà ống không mấy thẩm mỹ (Ảnh: Warren G. Reed)

Đà Lạt có điều kiện khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho việc trồng trọt. Quang cảnh một nông trại trồng rau xanh ở thành phố sương những năm 1961 thơ mộng chẳng kém cánh đồng ở các vùng quê châu Âu (Ảnh: Wilbur E. Garrett)

Được xây dựng từ năm 1929, chợ Đà Lạt là một trong những khu vực giao thương nhộn nhịp, sầm uất của thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng. Nằm trong khu trung tâm Hòa Bình, nơi đây hiện còn là di tích lịch sử quan trọng và ý nghĩa (nguồn: Zing, Ảnh: Tom Petersen)

Tên gọi đầu tiên của chợ là chợ Cây. Khi mới thành lập, chợ được dựng lên từ các nguyên liệu bằng gỗ. Đến năm 1958, một trong số hạng mục khác đã được xây dựng thêm, trong đó có cây cầu đi bộ nối thẳng tới chợ Đà Lạt, nay là điểm check-in khá nổi tiếng của giới trẻ (Ảnh: Anthony LaRusso)

Trung tâm giao thương của "thành phố ngàn hoa" không thể thiếu mặt hàng hoa tươi, nét đặc trưng của Đà Lạt. Trước cổng chợ ngày xưa từng là địa điểm chính phân phối hoa tươi trong thành phố với rất nhiều loài hoa khác nhau (Ảnh: Sandy1618, Tom Petersen)

Chi Lê (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/anh-can-canh-khu-trung-tam-hoa-binh-sap-bi-pha-bo-cua-da-lat-xua-va-nay/804408.antd