Cận cảnh khí tài quân sự mô hình của Mỹ, Nga trưng bày ở Hà Nội

Mô hình tiêm kích F-16, xe tăng chủ lực T-90MS, trạm radar di động… cùng hàng chục loại mô hình khác được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh Việt Nam 2019.

Triển lãm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh tại Việt Nam (DSE Vietnam 2019) đang diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, thu hút gần 200 thương hiệu, 7 khu gian hàng quốc gia của các nước và vùng lãnh thổ có công nghệ và phương tiện chiến đấu tiên tiến.

Triển lãm Quốc tế về Quốc phòng và An ninh tại Việt Nam (DSE Vietnam 2019) đang diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, thu hút gần 200 thương hiệu, 7 khu gian hàng quốc gia của các nước và vùng lãnh thổ có công nghệ và phương tiện chiến đấu tiên tiến.

Nổi bật giữa gian trưng bày của tập đoàn Lockheed Martin chính là mô hình máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules. Đây là phiên bản mới nhất của dòng Hercules được nâng cấp đáng kể so với dòng C-130 (dòng máy bay tham gia vận chuyển thiết bị phục vụ cho chuyến công du của tổng thống Mỹ tới Việt Nam vào tháng 2/2019).

Tiêm kích F-16 là máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Giới quan sát cho rằng tiêm kích F-16 chính là ứng cử viên hàng đầu cho việc thế chỗ những chiếc MiG-21 ở Việt Nam.

F-16 với 9 điểm treo vũ khí dưới cánh có thể mang tên lửa không đối không, đối đất, đối hải, bom thông thường, bom thông minh. Tổng tải trọng vũ khí mang theo khoảng 7,7 tấn.

Airbus A400M là dòng máy bay bốn động cơ phản lực cánh quạt, được thiết kế bởi Airbus Defence & Space để đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia châu Âu về loại máy bay vận tải quân sự.

Anh Nguyễn Quang Vinh (Bộ Công an) thích thú với mô hình máy bay CASA C-295 và rất muốn tìm mua về trưng bày. C-295 là một loại máy bay vận tải quân sự chiến thuật hai động cơ, do hãng Airbus Military chế tạo ở Tây Ban Nha.

Mô hình xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS được nhà máy Uralvagonzavod (Nga) sản xuất. Đây xem như bản nâng cấp với năng lực tác chiến vượt xa T-90S đời trước.

Xe tăng T-90MS có module tháp pháo mới, thiết bị chụp ảnh nhiệt, hệ thống điều khiển hỏa lực tự động Kalina, hệ thống quan sát mục tiêu Sosna-U và Hawkeye. Dù việc lắp đặt các thiết bị hiện đại đã khiến trọng lượng của T-90MS tăng nhẹ (từ 46,5 tấn lên 48 tấn) nhưng cỗ xe tăng này vẫn di chuyển nhanh (60 km/h).

Đem đến DSE Vietnam 2019, nhà máy Uralvagonzavod còn có mô hình xe công binh BREM-1M, xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT, xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 nâng cấp và T-90S.

Tàu ASW Convette được sản xuất bởi tập đoàn UkrOboronProm (Công ty Công nghiệp Quốc phòng Ukraina) được trang bị hệ thống radar giám sát không khí và bề mặt, 2 hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện tử.

Tên lửa Exocet MM40 Block 3 là dòng tên lửa chống hạm của Pháp. Đây được coi là loại tên lửa diệt hạm dày dạn trận mạc nhất thế giới với tầm bắn lên tới 180 km, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS và chế độ tấn công mặt đất, cho phép các nhà khai thác có thể thiết lập tọa độ mục tiêu 3 tham số kinh độ, vĩ độ và độ cao.

Xe bọc thép Kozak-2M do Ukraine chế tạo dựa trên công nghệ quân sự của NATO. Xe có thể chở 8-10 người và đạt tốc độ 120 km/h.

Cận cảnh bên trong phòng trinh sát khu vực rộng phức tạp (COMINT) Hortytsa - M. Hệ thống có thể di động được đến nhiều địa điểm.

Phạm Thắng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/can-canh-khi-tai-quan-su-mo-hinh-cua-my-nga-trung-bay-o-ha-noi-post997394.html