Cận cảnh: 'Khám phá' đám tang nửa mới, nửa cũ của một người Mông

Cánh cửa gian giữa của người Mông chỉ được mở ra khi trong nhà có những sự kiện lớn. 'Xã Hua Nhàn và cả huyện Bắc Yên, Sơn La vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên làm ma chay có bước cải tiến lớn theo nếp sống văn hóa mới, dần thoát ra khỏi hủ tục lâu đời của đồng bào Mông nơi đây', ông Vàng A Chu- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hua Nhàn cho biết.

Khi một người trong nhà mất đi, cánh cửa ấy lại mở lần nữa, lộ ra không gian văn hóa với những phong tục tập quán lâu đời của người Mông.

Clip: Đám tang nửa mới, nửa cũ của người Mông

“Xã Hua Nhàn và cả Huyện Bắc Yên vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên làm ma chay có bước cải tiến lớn theo nếp sống văn hóa mới, dần thoát ra khỏi hủ tục lâu đời của đồng bào Mông nơi đây”, ông Vàng A Chu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hua Nhàn cho biết.

Bản Thón A, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, Sơn La nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 250km.

Xã Hua Nhàn có 17 bản, 740 hộ, với 4.279 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 94,2%. Do điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của bà con còn nhiều hạn chế, đến hết năm 2017, Hua Nhàn vẫn còn 53,5% hộ nghèo.

Con đường đất từ quốc lộ 37 vào bản khoảng 10km gồ ghề ngổn ngang sỏi đá, dốc cao và bụi.

Hua Nhàn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, trong đời sống văn hóa của đồng bào vẫn còn những phong tục tập quán lạc hậu, tốn kém mặc dù cán bộ địa phương đã có tuyên truyền với người dân thực hiện đơn giản hóa, tiết kiệm về thời gian, tiền bạc và vệ sinh môi trường.

Theo phong tục của đồng bào Mông, khi có người chết, gia đình chủ nhà vẫn thực hiện việc đặt thi thể người đã khuất lên gian giữa trong nhà, nơi đặt bàn thờ tổ tiên để chờ ngày tốt mới đem đi chôn.

Theo lời kể của ông Chu, trước đây người chết có khi để trong nhà gần một tuần. Mùa lạnh còn đỡ, phải những ngày mùa hè thi thể người chết phân hủy gây ô nhiễm, lại thêm việc phải đem xác chết đi phơi nắng. Chỉ đến khi chôn mới có mấy tấm ván đặt sẵn dưới huyệt.

Ngày 31.1.2018 vừa qua, ông Giàng A Lềnh, Bí thư Đảng ủy xã qua đời do một cơn tai biến. Là người đi đầu trong công tác tuyên truyền người dân thoát khỏi hủ tục trong những việc ma chay, cưới hỏi nên cán bộ xã và gia đình đã thực hiện ma chay cho ông Lềnh với những cải tiến nhất định, vừa mang những phong tục xưa của đồng bào Mông, lại vừa vệ sinh hơn, đỡ tốn kém hơn khi so sánh với trước đây.

Phong tục truyền thống

Người Mông quan niệm chết là về thế giới bên kia. Ở đó, con người vẫn tồn tại, vẫn có một “đời sống”. Sau khi đã trọn đời ở nơi trần thế, con người trở về sống với tổ tiên.

Theo phong tục cũ, người chết sau khi được người nhà rửa mặt mũi chân tay xong sẽ mặc quần áo mới bằng vải lanh. Theo quan niệm truyền thống của người Mông, có mang y phục bằng vải lanh người chết mới có thể trở về với thế giới tổ tiên và tổ tiên của họ mới nhận diện được con cháu.

Khâm liệm xong, người ta làm cáng bằng tre hoặc gỗ để dưới bàn thờ tổ tiên rồi đặt thi thể lên. Cáng tượng trưng cho “con ngựa trời”, khi treo phải dùng dây lanh bện vào hoặc dải vải lanh buộc thi hài vào cáng. Sợi dây này tượng trưng cho dây cương.

Người thân trong gia đình thay phiên nhau túc trực cạnh người chết, cầm một dụng cụ như chiếc chổi dài để đuổi ruồi, muỗi bâu vào. Ở hai bên của gian giữa, con dâu sẽ đứng cầm bó đuốc với ý nghĩa như lời chào khách khứa, anh em họ hàng đến chia buồn. Ở chính giữa gian nhà, người ta dùng những thanh gỗ thẳng để buộc lên đó nhạc cụ là trống và khèn với những giai điệu riêng dành cho việc tang ma.

Dòng người đến viếng khóc thương người đã mất. Ở bên ngoài, những công việc chuẩn bị cho đám tang diễn ra hối hả do anh em trong dòng họ, bà con trong bản đến giúp.

Mỗi gia đình khác trong bản sẽ có đóng góp về vật chất, có quy định rõ về số gạo, củi, thịt, tiền,… Theo quy định từ trước, mỗi người đến viếng bắt buộc phải cần theo một tờ giấy để người thân của người đã mất cắt thành những dây tiền với ý nghĩa để người chết có tiền mang theo sang thế giới bên kia.

Anh Giàng A Chay đục các tờ giấy mà mọi người mang đến thành những dây tiền. Đến ngày trước khi chôn sẽ đốt ở giữa nhà cho người chết mang theo.

Dây tiền của người trong họ để riêng, của khách rồi dân bản để riêng. Trong thời gian để cho mọi người đến thăm viếng, có một sợi dây đay dài vắt qua cái trống giữa nhà, một đầu buộc vào tay người chết.

Khi có người thăm viếng mang lợn đến, người đó sẽ buộc đầu dây còn lại vào cổ con lợn. Lợn mang đến đám tang phải thịt hết, nhà chủ cũng không được giữ lại nuôi.

Thầy mo khi đó khấn bằng tiếng Mông, đại ý nói với người chết rằng có anh này đem đến giúp con lợn thì nhận của nó mà mang theo nhé. Tối trước ngày đưa đám, thợ khèn thổi bài cảm ơn những anh em, bạn bè, xóm bản đã giúp đỡ trong đám ma rồi người nhà đem tiền vàng mã phúng viếng ra đốt giữa nhà.

Đêm đến, tiếng khèn trống đã ngừng, người đại diện cho người đã mất dặn dò con cháu trong nhà qua những bài hát kéo dài đến sáng.

Bắt đầu từ một hoạt động gần giống như hát đối với những câu từ đều bằng tiếng Mông. Con cháu cúi rạp xuống quỳ lạy nghe ông chú nói bài “phòng cảo” với nội dung: bố mẹ mất đi để lại những gì cho con, cháu, công lao của bố mẹ, dặn dò con cháu. Trong cái lạnh 3 độ C vùng cao, nghi lễ diễn ra suốt cả đêm. Con cháu trong nhà ngồi nghe những lời dặn, anh em họ hàng ngồi sưởi ấm túc trực bên ngoài chờ đến sáng.

Không bón cơm vào miệng người chết

Người Mông ở xã Hua Nhàn không có tục bón cơm cho người chết như mọi người vẫn thường nghĩ. Việc bón cơm cho người chết ở đây chỉ mang tính tượng trưng.

Về vấn đề này, theo PGS. TS. Vương Xuân Tình, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học cho ý kiến: “Về tục bón cơm cho người chết. Đúng là tại vùng cao núi đá Hà Giang và một số nơi khác trước đây có tục này. Song như mọi yếu tố văn hóa, đều có sự biến đổi”.

Ông Giàng A Thái, thầy mo trong lễ tang cầm chiếc thìa đựng cơm và thịt chuẩn bị cho người chết “ăn”. “Cứ khi nào mình ăn thì cũng cho nó ăn”, ông Thái giải thích. Tôi cũng hồi hộp vì đến lúc này vẫn chưa biết có bón cơm vào miệng người chết thật hay không nên cứ đưa mắt bám theo từng động tác của ông thầy mo.

Ông Thái chắt chén rượu đặt ở đầu quan tài, một tay cầm thìa cơm, một tay cầm thanh tre nhỏ chẻ đôi khấn bằng tiếng Mông với ý nghĩa mời ma ăn cơm. Sau đó, ông thả thanh tre chẻ đôi cầm trên tay xuống và giải thích: “Khi nào cùng ngửa hoặc cùng sấp là nó chưa chịu ăn, khi nào một ngửa một sấp là nó ăn”. Thay vì đưa chiếc thìa vào mồm người chết như tôi vẫn hay tưởng tượng, ông đổ cơm và thịt ấy vào một quả bầu khô đặt trên đầu áo quan rồi nhẹ nhàng nói: “Xong rồi đấy!”

Cơm thịt cho người chết ăn đựng trong quả bầu được giữ lại rồi đem chôn xuống huyệt với người chết sau này.

Việc đưa người chết vào quan tài và làm ma tối đa 3 ngày là một bước tiến lớn trong công cuộc xóa bỏ hủ tục nơi đây. Thay vì để người chết ở ngoài cho đến khi đem đi chôn, chưa kể việc phải đem đi phơi nắng thì đám tang của ông Lềnh đã rất được cán bộ địa phương hoan nghênh, như một tấm gương để vận động nhân dân trong những sự kiện sau này.

Kể lại với phóng viên, anh Vàng A Khư, Trưởng Công an xã Hua Nhàn nói: “Trước đây, anh Giàng A Lềnh cũng tâm sự với anh em rằng nếu tôi chết cho tôi vào áo quan để làm gương cho nhân dân. Bây giờ tôi tuyên truyền vẫn chưa được, người dân chưa nghe”. Diễn ra trong 3 ngày, đám tang của ông Giàng A Lềnh là sự pha trộn giữa nét mới là công cuộc xóa bỏ hủ tục với nét cũ là những phong tục, quan niệm về cái chết của người Mông trên bản Thón A, xã Hua Nhàn.

Đem người chết đi phơi nắng

5 giờ sáng ngày cuối cùng của lễ tang, khèn trống lại nổi lên sau khi những câu hát dặn dò con cháu kết thúc.

Những dây tiền giấy của con cháu mang đến lại được ông thầy mo đặt vào tay người chết và nói rõ tên người mang đến. Cây tiền cuối cùng đốt ở giữa nhà, trước khi đem người chết đi phơi nắng.

Người nhà sửa lại tay chân, quần áo cho người đã khuất trước khi đưa quan tài ra ngoài.

Đến khoảng 8 giờ sáng, quan tài người chết được đưa ra một bãi đất chưa có ai làm ma ở đó bao giờ để phơi nắng. Như trước đây, thi hài người chết không nằm trong quan tài nên việc để trong nhà nhiều ngày cộng với đem đi phơi nắng như vậy sẽ rất ô nhiễm. Vì vậy, đưa được người chết vào quan tài như hiện nay là một kỳ tích đối với công tác vận động bà con theo nếp sống văn hóa mới.

Ngoài bãi đã dựng sẵn 2 chiếc cọc cao gần 1m để đặt thi hài lên, đầu hướng về nhà cũ. Giữa bãi dựng một cây còn cả ngọn, có 2 cành dùng để treo khèn, trống. Cây có ngọn tượng trưng cho vật trung gian nối giữa thế giới người sống và người chết, giữa trời và đất.

Lúc này, việc hiến tế trâu bò bắt đầu. Người ta lại buộc sợi dây từ cổ con bò, vắt qua cây treo khèn, trống rồi nối với quan tài với ý niệm hồn người chết đã nhận được vật hiến tế qua cây trung gian. Đến gần trưa, khi thịt bò đã chín mới dâng cho người chết cơm, rượu rồi đem đi chôn.

Như trước đây, những việc cưới xin, ma chay rất tốn kém vì diễn ra trong nhiều ngày, nhà chủ lại phải mổ trâu, bò, lợn để thết đãi khách khứa. Đến nay quy định này đã được nới lỏng nhờ sự nhất chí của cán bộ và người dân, lập thành một hương ước quy định chỉ được mổ tối đa 2 con trâu, bò. Người nhà sẽ chọn giờ tốt để thầy cúng bắt đầu khấn bài đưa thi hài đi mai táng.

Mộ đá của người Mông trên xã Tà Xùa.

Địa điểm mai táng chỉ có những người trong nhà biết với nhau, không tiết lộ cho người ngoài đến tận lúc hạ huyệt. Mộ của người Mông thường đặt ở lưng chừng đồi, núi. Dòng họ nào có tập quán chôn ngang mới đắp đất, còn nếu theo tục chôn dọc núi, người ta xếp đá: nam chín hòn, nữ bảy hòn.

Kiều Dương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/can-canh-kham-pha-dam-tang-nua-moi-nua-cu-cua-mot-nguoi-mong-848551.html