Cận cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Một 'thời đại thay đổi' đã đến

Hôm nay, hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên được diễn ra tại Singapore. Đây được coi là sự kiện lịch sử quan trọng của hai nước này cũng như thế giới.

Theo đó, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Theo thông cáo của Nhà Trắng, sau khi hai ông gặp riêng cùng với phiên dịch viên trong khoảng 45 phút từ lúc 9h sáng (giờ địa phương), hai đoàn Mỹ và Triều Tiên sẽ tổ chức một cuộc gặp mở rộng và một buổi ăn trưa làm việc.

Video trực tiếp cuộc gặp hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều

Lúc 4h chiều, ông Trump sẽ tổ chức họp báo, sau đó ông rời Singapore vào lúc 7h tối trên chuyên cơ Không lực 1 để trở về Mỹ.

Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Singapore ngày 10/6, khoảng 4 giờ sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tới đảo quốc sư tử. Hai ông ở các khách sạn riêng rẽ cách nhau không xa. Lãnh đạo Triều Tiên đang ở khách sạn 5 sao St Regis còn ông Trump ở Shangri La cách đó chưa đầy 1km.

Thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu diễn ra tại Singapore. Ảnh: Reuters

Khi tới Singapore, nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ hy vọng hội nghị ở đảo nghỉ dưỡng Sentosa sẽ khởi đầu một tiến trình mà rốt cuộc sẽ chứng kiến Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong một thông cáo được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải, Triều Tiên cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ bàn một "cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài và bền vững" của bán đảo Triều Tiên cùng nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Một "thời đại thay đổi" đã đến, KCNA nhấn mạnh thêm.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên đã có cuộc bắt tay lịch sử. Ảnh: VOV

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 8/3, thế giới đã trải qua nhiều tháng chờ đợi với không ít lần thót tim.

Chương trình nghị sự chính của cuộc gặp lần này là kỳ vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên và tái lập hòa bình trên bán đảo kể từ sau cuộc chiến 1950-1953.

Thông cáo được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải, thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên sẽ trở thành sự kiện lịch sử và sự thay đổi sẽ tới. Ảnh: VOV

Cú bắt tay lịch sử dài 12 giây của hai nhà lãnh đạo trước khi vào hội đàm.

Giới chuyên gia cho rằng không nên quá kỳ vọng vào một kết quả cụ thể mà chỉ nên xem thượng đỉnh lần này là bước khởi động cho một quá trình dài hơi, với mục tiêu lâu dài là tạo ra hòa bình bền vững cho khu vực và thế giới. Tuy nhiên sự lo lắng này đã được xua tan khi mà hiện hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ lịch sử.

Sau cuộc họp kín 41 phút, 2 bên bước vào phiên họp mở rộng, một số cố vấn hàng đầu của lãnh đạo Triều Tiên hiện diện trên bàn thảo luận với Tổng thống Mỹ, trong đó có Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của đảng Lao động Ri Su-yong.

Em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong không có mặt.

Phái đoàn Mỹ và Triều Tiên dự cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: CNN.

Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu cuộc hội đàm mở rộng sau cuộc gặp riêng. Trên bàn thảo luận, Trump nói: "Phối hợp với nhau, ta sẽ xử lý nó", theo AP. Trump dự đoán ông và lãnh đạo Triều Tiên sẽ "giải quyết được vấn đề lớn".

Bên cạnh Tổng thống Mỹ có Ngoại trưởng Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.

Phái đoàn 2 nước tại cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: CNN

"Chúng ta sẽ thành công", Trump nói với Kim Jong-un ở phía đối diện.

Đây là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Cuộc thượng đỉnh tại Singapore là kết quả của hàng loạt nỗ lực ngoại giao từ cả hai nước trong vài tháng qua, theo sau các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều.

Singapore được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim vì chính sách ngoại giao trung lập. Chi phí tổ chức cuộc gặp lịch sử này được ước tính vào khoảng 15 triệu USD, chủ yếu dành cho công tác an ninh.

Dù kết quả đàm phán giữa Kim Jong-un và Trump có thế nào thì cái bắt tay của họ vẫn mang tính lịch sử, Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson ở Mỹ, nói. Bà cho rằng người Triều Tiên sẽ coi đây là khoảnh khắc Mỹ thừa nhận Triều Tiên và đối xử với họ như một nước ngang bằng. Việc tổng thống Mỹ bay nửa vòng thế giới để gặp lãnh đạo của một "nước rất nghèo và rất nhỏ" khiến Kim Jong-un có lợi thế về hình ảnh, chuyên gia đánh giá. Kim Jong-un sẵn sàng hợp tác Lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Mỹ. Theo Kim Jong-un, việc này sẽ rất thách thức nhưng ông sẵn sàng làm nó, Straits Times đưa tin.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/can-canh-hoi-nghi-thuong-dinh-my---trieu-tien-mot-thoi-dai-thay-doi-da-den-d145106.html