Cận cảnh hoạt động nhộn nhịp trong ngôi làng có hơn 70 năm làm cờ Tổ quốc

Phóng viên đã mục sở thị những 'nghệ nhân' ở ngôi làng có hơn 70 năm làm cờ Tổ quốc tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi ghi nhận quá trình thêu một lá cờ Tổ quốc hoàn chỉnh cần nhiều thời gian. Các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, trau chuốt từng đường kim, mũi chỉ.

Cách thành phố Hà Nội khoảng 30km, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín không chỉ nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, mà nơi đây đã có hơn 70 năm làm ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc, những lá cờ này đã được đưa đi khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Cách thành phố Hà Nội khoảng 30km, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín không chỉ nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, mà nơi đây đã có hơn 70 năm làm ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc, những lá cờ này đã được đưa đi khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Hàng năm, cứ sắp đến ngày 2/9, không khí làm việc tại đây lại trở nên nhộn nhịp, người dân nơi đây hăng say, cần mẫn để tạo nên những lá cờ đỏ sao vàng, hòa chung với không khí kỷ niệm 75 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020).

Ngôi làng Từ Vân đã nổi tiếng trong và ngoài nước bởi các sản phẩm thêu, dệt thủ công truyền thống. Theo đó, vào tháng 8/1945, các nghệ nhân của làng được Ủy ban kháng chiến kêu gọi thêu cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng tháng 8.

Rừng cờ bay phấp phới trên quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã có những lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của những người thợ làng Từ Vân. Từ đó cho đến nay, người dân làng Từ Vân vẫn luôn tự hào về nghề may cờ Tổ quốc và được những thế hệ sau tiếp tục kế thừa, tiếp nối.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, hoạt động sản xuất ở đây khá đa dạng. Người thì thêu cờ, người thì may cờ, cờ phục vụ khai giảng năm học mới, cờ Tổ quốc treo chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, băng rôn, khẩu hiệu, phục vụ dịp lễ, Tết, cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Không chỉ làm ra những lá cờ Tổ quốc, nơi đây còn cho ra thị trường những sản phẩm cờ Đoàn, Cờ thi đua...

Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc đòi hỏi người làm phải khéo léo, cẩn thận

Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp.

Chị Vương Thị Nhung, người sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống may cờ chia sẻ: Bản thân luôn cảm thấy vinh dự và hãnh diện khi là một trong những người dân của làng góp phần tạo nên những lá cờ Tổ quốc chuyển đi các nơi, hiện diện trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

"Gia đình chị những năm qua vẫn duy trì sản xuất, thêu cờ Tổ quốc, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xóm. Các dịp lễ tết, Quốc khánh... cũng là thời gian nhiều hộ dân làng Từ Vân lại bận rộn lao động, sản xuất để kịp trả hàng cho khách đặt trong dịp này", chị Vương nói.

Trong từng đường kim, mũi chỉ đều phải khéo léo và tỉ mỉ.

Cũng chính bởi vậy, ngoài thị trường lá cờ thêu bao giờ cũng có giá cao hơn gấp nhiều lần cờ may bình thường nhưng là sản phẩm được nhiều người ưa thích bởi độ bền về chất liệu và sắc nét về vẻ đẹp.

Việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Sau khi hoàn thiện sản phẩm, những lá cờ được đóng gói cẩn thận để cung cấp ra thị trường. Sản phẩm cờ của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Thủ đô Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/can-canh-hoat-dong-nhon-nhip-trong-ngoi-lang-co-hon-70-nam-lam-co-to-quoc-71856.html