Cận cảnh hàng cây cổ thụ ở Kim Mã sau 4 năm đánh chuyển

Sau 4 năm đánh chuyển, hàng cây cổ thụ ở Kim Mã ở vườn ươm ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vẫn chưa có kế hoạch sử dụng, thậm chí có hơn 20 cây đã chết, một số cây đang có dấu hiệu héo úa do không có người chăm sóc.

Theo ghi nhận của PV, sau 4 năm đánh chuyển từ Kim Mã về vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội), 1/3 số cây cổ thụ đã chết khô, số còn lại đang dẫn kiệt quệ. Hơn 100 cây trên 3000m2 đất ở đây đang dần bị lãng quên trước khẩu hiệu “Cứu cây xanh Hà Nội”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, người được thuê chăm sóc cây tại xã Đa Tốn cho biết: “Khi mới đánh chuyển về đây, gần như 100% cây xanh đều đâm chồi, nảy lộc, phát triển tốt dưới sự chăm sóc. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, vườn cây đã bị bỏ mặc, không ai chăm sóc, cây vì thế chết dần chết mòn”.

“Đơn vị thuê đất gần như bỏ mặc, nếu như tôi không phải người yêu cây, tôi đã không tưới nước, phát cỏ… thì số cây chết hiện tại không chỉ là trên 20, mà nhiều hơn thế nữa.

Trước đó, tháng 10/2016, Sở Xây dựng giao cho công ty cổ phần Beepro thực hiện đánh chuyển 106 cây xanh vướng vào mặt bằng thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội về vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và chăm sóc cây.

Hàng cây cổ thụ ở Kim Mã được chuyển về vườn ươm ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ 4 năm trước.

Hàng cây cổ thụ ở Kim Mã được chuyển về vườn ươm ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) từ 4 năm trước.

Sau năm đầu ổn định và phát triển trong năm đầu tiên, đến những năm tiếp theo không có người chăm sóc thường xuyên.

Hơn 20 cây chết khô, nhiều cây có dấu hiệu kiệt quệ khi không có ai chăm sóc.

"Cây chết khô mục nát thế này có chặt làm củi cũng không ai mua", ông Hưng nói.

Thân cây có dấu hiệu mục rữa.

Ông Nguyễn Văn Hưng, người được thuê chăm sóc cây tại xã Đa Tốn còn lo lắng cho số phận những cây này hơn đơn vị quản lý.

Theo ông Hưng, ngày 17/10/2016, đơn vị được giao đánh chuyển đã ký hợp đồng thuê thửa đất có diện tích 3.000 m2, thời hạn thuê đất là 2 năm (từ 2/11/2016 đến 2/11/2018), với giá 150 triệu đồng/năm, và đơn vị mới thực hiện thanh toán tiền thuê đất hết năm 2017.

Do có hàng cây nên ông Hưng không thể trả lại được đất cho người dân, còn phía công ty không chịu giải quyết, thanh toán trong thời gian qua.

Lớp vỏ xà cừ xù xì nay đã bong tróc từ gốc đến ngọn, mục rỗng như mùn.

Dưới nắng hè oi bức, vườn ươm không được chăm sóc, cây càng ngày càng héo khô.

Theo kế hoạch dự kiến, số cây này sẽ được tái sử dụng trên những con đường mới, nhằm tạo cảnh quan và bóng mát tại Thủ đô.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/can-canh-hang-cay-co-thu-o-kim-ma-sau-4-nam-danh-chuyen-1667216.tpo