Cận cảnh dự án 'ma' Diamond City của Công ty Lan Phương

Chỉ là khu đất có nguồn gốc đất nông nghiệp với diện tích khoảng 10ha tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi nhưng cá nhân bà Phước và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Lan Phương (gọi tắt là Công ty Lan Phương) hợp tác với nhau ngang nhiên gán mác dự án đất nền thương mại rồi giao dịch rầm rộ với khách hàng.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi “gom” được một khu đất có nguồn gốc đất nông nghiệp với danh nghĩa cá nhân - bà Nguyễn Thị Phước (ngụ số 19 Nguyễn Văn Đậu, phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) không hề lập hồ sơ xin thành lập dự án đất nền theo quy định mà cá nhân bà Phước “lách luật” xin chuyển đổi mục đích đất có nguồn gốc nông nghiệp lên đất thổ cư, rồi làm đơn xin đầu tư đấu nối đường giao thông tiến hành san lấp mặt bằng.

Cuối cùng, sau khi “chạy” và được UBND huyện Củ Chi chấp thuận các thủ tục liên quan, thửa đất có nguồn gốc đất nông nghiệp rộng 10ha tại xã Tân Thạnh Tây được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bà Phước và Công ty Lan Phương gán mác dự án đất nền thương mại Diamond City rồi phân lô, bán nền cho khách hàng.

Dự án “ma” Diamond City được quảng cáo rầm rộ trên các website, trang mạng xã hội …

“Dự án” này được chủ đầu tư giới thiệu với những từ ngữ “có cánh” như: Diamond City được quy hoạch đồng bộ với đường 7m – 20m - 40m và công viên cây xanh ngay trong dự án”. Điều đáng nói đã có khách hàng giao dịch tại dự án này với giá 15 triệu - 17 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV lại trái ngược hoàn toàn với lời quảng cáo khi chủ đầu tư mới cho san lấp một phần diện tích. Đa số khu đất của dự án “ma” Diamond City chỉ là đất vũng sình lầy, tiến độ trì trệ.

Không chỉ khu đất nói trên, nhiều khu đất khác tại huyện Củ Chi cũng được Công ty Lan Phương gán mác dự án đất nền thương mại tương tự như: KCD Bình Mỹ Center; dự án Hòa Phú Town; KDC Bình Mỹ Garden…

Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND thay thế Quyết định 33/2014 về phân lô, tách thửa nhằm triệt tiêu tất cả những hình thức trên, song UBND huyện Củ Chi vẫn cho thấy sự lỏng lẽo trong quản lý. Từ đó dẫn đến việc nhiều diện tích đất có nguồn nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi đang bị thu hẹp từng ngày, nhường chỗ cho những khu vực phân lô, bán nền trái phép.

Theo một số chuyên gia, hiện nay tình trạng gom đất nông nghiệp rồi gắn tên thương mại, chia lô rao bán tràn lan. Các chủ đầu tư, sau khi có quỹ đất, cứ nghĩ sẽ làm thủ tục pháp lý dễ, nên tổ chức bán rầm rộ. Tuy nhiên, nếu quá trình làm thủ tục không thuận lợi, thời gian kéo dài, hoặc không được cấp phép, thì dự án sẽ bị bỏ hoang. Trong khi đó, tiền đã lấy, đẩy khách hàng tới tình cảnh tiền mất mà đất không có.

Trả lời về vấn đề này, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM lại cho biết, hiện nay tại huyện Củ Chi không có dự án nào như Công ty Lan Phương quảng cáo được nhà chức trách phê duyệt, cấp phép xây dựng. Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đang tiếp tục theo dõi, thu thập, rà soát hồ sơ pháp lý và có văn bản khuyến cáo người dân về các hành vi vi phạm của cá nhân tổ chức.

Viết Dũng - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/can-canh-du-an-ma-diamond-city-cua-cong-ty-lan-phuong-58596-9.html