Cận cảnh địa điểm làm quân Pháp kinh hoàng ở Hà Nội 1946

Trong cuộc Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, dù quân Pháp biết rằng nơi đây là 'cửa tử' nhưng vẫn phải liều chết đi qua mũi súng của quân ta...

Tọa lạc ở số 39 phố Hàng Giấy, trường Mầm non Họa Mi là một ngôi trường mới thành lập ở khu phố cổ Hà Nội. Ít ai biết rằng địa điểm này từng diễn ra một sự kiện đặc biệt trong cuộc Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội mùa đông năm 1946.

Vào thời điểm Toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19/12/1946, phố Hàng Giấy là cửa ngõ phía Bắc của Liên Khu I. Ở vị trí trường Mầm non Họa Mi khi đó là khách sạn Hoa Nam, một điểm đóng quân của lực lượng Vệ quốc đoàn.

Vì khách sạn nằm ngay cạnh cầu đường tàu hỏa nên ta đặt một khẩu trung liên trên sân thượng tòa nhà, biến nơi đây thành một cao điểm khống chế tuyến đường sắt phía Đông Hà Nội.

Mỗi lần xe lửa của địch đi qua, quân ta lại xả súng vào các toa tàu, gây nhiều tổn nhất về nhân mạng, khiến kẻ địch vô cùng hoang mang.

Dù quân Pháp biết rằng nơi đây là “cửa tử”, chúng vẫn phải liều chết đi qua mũi súng của quân ta. Mỗi lần như vậy chúng phải đóng kín cửa toa, nằm rạp xuống sàn để tránh đạn.

Lính Pháp còn đặt đại liên trên nóc toa tàu để bắn vào vị trí của ta ở khách sạn Hoa Nam. Nhưng điều này là vô ích, vì hỏa điểm của ta ở cao hơn và được che chắn tốt hơn.

Từ trong thành phố, quân Pháp nã pháo và huy động cả các loại xe tăng, thiết giáp để tấn công khách sạn Hoa Nam với ý đồ san phẳng cứ điểm này.

Bất chấp nỗ lực điên cuồng của kẻ thù, các chiến sĩ ta đánh lui tất cả những đợt tấn công và giữ vững vị trí tới ngày 14/2/1947.

Cuộc chiến đã làm khách sạn Hoa Nam bị tàn phá nặng nề. Giai đoạn sau đó tòa nhà được tái thiết và đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau mà gần đây là rạp Bắc Đô rồi Trường Mầm non Họa Mi.

Ngày nay, tất cả những gì mà khung cảnh ở nơi đây gợi lên là sự bình yên của cuộc sống thường nhật với những tiếng cười tươi vui của trẻ thơ. Những tháng ngày khói lửa chỉ còn là một trang sử được lưu truyền cho các thế hệ mai sau...

Nghe ca khúc Việt nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/can-canh-dia-diem-lam-quan-phap-kinh-hoang-o-ha-noi-1946-1317443.html