Cận cảnh đê biển Tây Cà Mau sau những ngày 'sóng dữ'

Trong đợt thời tiết cực đoan vừa qua, đê biển Tây tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng nhiều vị trí. Địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, đơn vị này cùng với Hạt Quản lý đê điều đang khẩn trương kiểm tra những đoạn đê biển Tây có nguy cơ sóng đánh tràn qua để xây kè chắn sóng, triều cường.

Có mặt tại đê biển Tây tỉnh Cà Mau những ngày đầu tháng 8/2022, chúng tôi nhận thấy, đê biển Tây biển đã lặng sóng. Nhưng không ai dám chắc thời tiết cực đoan sẽ xảy ra bất cứ lúc nào,.

Người dân sống ven đê luôn trong tâm trạng phập phồng lo sợ vỡ đê bất cứ lúc nào. Nguy cơ đe dọa trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân ven biển luôn chực chờ.

Sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai, trường học…

Sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai, trường học…

Trước đó, chiều 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời và khu vực Vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh).

Theo đó, sạt lở bờ biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh bao gồm 5 vị trí với tổng chiều dài 2.692m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển Tây.

Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo và bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở.

UBND huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê). Cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực này.

Một số hình ảnh ghi nhận tại tuyến đê biển Tây sau những ngày "sóng dữ":

Những thân cây còi cọc, còn trơ bộ rễ bám trụ khu vực được bồi lắng bên trong đê kè.

Biển Tây hiền hòa sau những ngày "sóng dữ"'.

Những thân cây còn "bám trụ" bên trong kè, nguy cơ có thể chìm trong nước, bởi những cơn "sóng dữ" có thể bất ngờ ập đến.

Phương tiện máy móc, trang thiết bị luôn sẵn sàng để thực hiện công tác hộ đê khi có sự cố sạt lở xảy ra trên đê biển Tây.

Thời tiết cực đoan, khiến nhiều đoạn trên đê biển Tây qua huyện Trần Văn Thời và U Minh của tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nước biển tiến sát vào chân đê biển Tây.

Ông Vũ Văn Tăng, người dân xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Đợt sóng biển dâng hồi giữa tháng 7/2022 rất cao. Hơn 20 năm qua, tôi mới lần đầu chứng kiến nước dâng cao tràn qua thân đê như thác đổ, người dân cùng lực lượng hộ đê rất vất vả để kè đê trong mưa".

Hơn 40 năm sinh sống gần đê biển Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), ông Phạm Văn Tuyển chia sẻ: "Cách đây hơn 20 năm, tôi và hàng chục hộ dân vẫn nuôi trồng thủy sản ngoài bờ kè. Do bãi bồi bị sạt lở, buộc tôi phải di chuyển vào bên trong đê để sản xuất. Nhưng tình trạng sóng to, gió lớn, nước mặn tràn qua đê là nỗi lo thường trực của hơn 200 hộ dân tại khu vực này".

Lực lượng chức năng rà soát và lắp đặt cảnh báo "Khu vực sạt lở nguy hiểm" để người dân khi đi qua khu vực này chú ý hơn.

Những viên đá lớn được rọ lại bằng lưới chì B.40 bảo vệ thân đê biển Tây, đoạn qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

"Sóng dữ" đi qua người dân sống dọc bên trong đê biển Tây trở lại hoạt động bình thường, nhưng không khỏi lo sợ thiên tai ập đến bất cứ lúc nào.

Tàu cá về neo đậu khu vực cửa sông ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời chờ biển lặng tiếp tục ra khơi bám biển.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-canh-de-bien-tay-ca-mau-sau-nhung-ngay-song-du-d561461.html