Cận cảnh công trình metro đầu tiên của TP.HCM

Những ngày tháng 4 lịch sử, hình hài tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) đã rõ nét với người dân hằng ngày đi làm về qua khu vực Văn Thánh, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội, Suối Tiên…

Máy khiên đào TBM (robot TBM) nặng 300 tấn khoan đường hầm (độ sâu khoảng 17m) từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố dài 781m.

Máy khiên đào TBM (robot TBM) nặng 300 tấn khoan đường hầm (độ sâu khoảng 17m) từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố dài 781m.

Công trình thế kỷ

Cuối tháng 8/2012, UBND TPHCM chính thức khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1). Dự án được xem là hiện đại nhất có vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng và là tuyến đầu tiên trong mạng lưới 8 tuyến metro của TP.HCM đã được quy hoạch với tổng chiều dài là 174 km.

Tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương), có 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Mỗi nhà ga trên cao dài gần 140 m, được thiết kế hai tầng, kết nối với cầu bộ hành bờ Nam và Bắc qua Xa lộ Hà Nội (ngoại trừ ga cuối Suối Tiên).

Hệ thống mái vòm nhà ga được làm bằng thép, các nhà ga trên cao thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên, bảo đảm ánh sáng và có thể chống lại các tác động của thời tiết.

Ba nhà ga với 2,6 km đi ngầm gồm: Ba Son, Bến Thành, Nhà hát thành phố được thiết kế nằm sâu dưới mặt đất.

Đặc biệt, điểm nhấn của tuyến chính là nhà ga Nhà hát thành phố được thiết kế 4 tầng. Trong đó, tầng 1 là trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách.

Tầng 2 là sân ga. Tầng 3 là tầng trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga. Tầng 4, là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón trả khách.

Bên cạnh nhà ga Nhà hát thành phố, nhà ga Bến Thành cũng được thiết kế vừa là một trung tâm thương mại, vừa là đầu mối kết nối với 4 tuyến metro trong tương lai.

Tuyến metro số 1 đoạn đi trên cao chạy dọc Xa lộ Hà Nội.

Trên đường về đích

Để thi công đường hầm nối các nhà ga, dự án đã sử dụng máy khiên đào TBM (robot TBM) nặng 300 tấn với công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản. Đến tháng 6/2018, đoạn ngầm đi từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son gồm 2 đường hầm đã hoàn thành, đánh dấu cột mốc quan trọng trong toàn bộ dự án metro số 1.

Theo đó, tính đến ngày 12/4, khối lượng công việc hoàn thành đạt hơn 63%. Dự kiến cuối năm 2019, sẽ hoàn thành khoảng 80% công việc.

Theo kế hoạch trong năm 2019 và 2020, sẽ lắp đặt các thiết bị điều hành điện tử tự động, hệ thống camera giám sát hoạt động các đoàn tàu... Khu trung tâm điều khiển công trình đã cơ bản hoàn thành bãi đậu có sức chứa 32 đoàn (mỗi đoàn tàu có 6 toa), khu vực xưởng sửa chữa (duy tu bảo dưỡng đầu máy toa xe, các thiết bị cơ điện, hệ thống thông tin, tín hiệu)... cũng đã dần hoàn thành.

Gần 2.000 công nhân đang ngày đêm làm việc trên công trường với tinh thần đến cuối năm 2020 thông tuyến kỹ thuật và năm 2021 khánh thành tuyến metro đầu tiên.

Theo lãnh đạo TPHCM, việc xây dựng các tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP, làm giảm tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông TP.

Đồng thời, dự án có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển bền vững của thành phố, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường hầm từ nhà ga Ba Son tới nhà hát TP (ảnh chụp tháng 5/2018).

Bên trong đường hầm tuyến metro số 1.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/can-canh-cong-trinh-metro-dau-tien-cua-tphcm-3999174-b.html