Cận cảnh cây cầu 'oằn lưng' gánh cả ô tô và tàu hỏa

Cầu Cẩm Lý (Bắc Giang) là cầu chung đường sắt - đường bộ duy nhất hiện vẫn đang chạy chung cả ô tô và tàu hỏa...

Cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng từ năm 1979. Đây là cây cầu chung đường sắt - đường bộ duy nhất thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn đang chạy chung ô tô và tàu trên cùng một mặt cầu.

Cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng từ năm 1979. Đây là cây cầu chung đường sắt - đường bộ duy nhất thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn đang chạy chung ô tô và tàu trên cùng một mặt cầu.

Cây cầu nằm trên QL37, nối Bắc Giang đi các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng nên lưu lượng xe qua cầu rất lớn, nhất là xe tải trọng lớn như: container, đầu kéo, xe hổ vồ... Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, lưu lượng phương tiện lưu thông qua cầu một ngày đêm khoảng 2.000 - 2.200 lượt ô tô các loại, chưa kể xe máy, xe đạp và các phương tiện khác, gây áp lực cả về tải trọng lên kết cấu cầu và lưu thông trên cầu.

Chiều ngang mặt cầu rất hẹp, khoảng 5 mét, chỉ đủ cho một chiều xe đi, việc điều tiết giao thông và bảo đảm an toàn khu vực cầu do nhân viên Cung cầu Cẩm Lý (Công ty CP Đường sắt Hà Lạng) đảm nhận. Khi có tàu qua, họ sẽ bật tín hiệu đèn đỏ ngăn đường hai đầu cầu, ngăn không cho các phương tiện đường bộ qua. Khi không có tàu, họ bật tín hiệu đèn đỏ ngăn đường một phía, khi nào cầu thanh thoát thì bật tín hiệu đèn xanh cho phía còn lại để xe được phép qua cầu. Ngoài ra, còn có một nhân viên tuần cầu, kiểm tra mặt cầu, phát hiện sự cố (nếu có) để xử lý kịp thời; Hai nhân viên bên ngoài điều tiết giao thông hai đầu cầu. Ảnh: các phương tiện dừng, chờ lượt xe phía cầu bên kia qua hết, đèn xanh bật mới được lên cầu.

Ông Nguyễn Công Bắc, nhân viên tuần cầu cho biết, hai bên đầu cầu đều có biển cấm xe vượt 9 tấn/trục nhưng lượng xe tải trọng lớn qua cầu rất nhiều. Tuy nhiên, biển cấm này được cắm từ những năm 1993-1994, khi đó lượng xe tải trọng lớn qua cầu rất ít, thưa thớt. Giờ thì đông vô kể, chỉ riêng ban đêm có đoàn xe container lên đến gần hai chục chiếc. Chỉ cần các xe đi không đi chậm, theo hàng là rất dễ va chạm. Không ít trường hợp xe nọ húc đuôi xe kia hoặc xe sau tránh xe trước đâm cả vào lan can cầu, rồi xe chết máy... gây ách tắc giao thông trên cầu.

Cũng theo ông Bắc, vì lượng xe tải trọng lớn qua cầu quá đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu cầu, gây vỡ cốt thép, tấm đan, ốc, bulông bị long, gỉ

Nhiều vị trí liên kết giữa các tấm đan phải gia cố để đảm bảo an toàn

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng cho biết, cầu Cẩm Lý đã qua 40 năm khai thác nhưng chưa một lần được kiểm định lại để đầu tư kinh phí đại tu. Kinh phí được Nhà nước cấp cho bảo trì hàng năm cũng rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 40-50% yêu cầu định mức kinh tế kĩ thuật, chủ yếu dành cho thay tấm đan mặt cầu. Với lượng phương tiện đường bộ ngày càng tăng như hiện nay càng khiến cầu ngày càng xuống cấp. Ảnh: nhiều chi tiết, kết cấu cầu bị xô lệch, hoen gỉ, long ốc, bu lông

Đường dẫn hai đầu cầu cũng bị các phương tiện tải trọng lớn "băm" nát, ổ trâu, ổ gà, không sửa chữa mặt đường xuể

Trước nguy cơ mất an toàn khu vực cầu Cẩm Lý, Tổng công ty Đường sắt VN đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý để tách đường bộ ra khỏi cầu chung đường sắt. Ngoài ra, xây dựng phương án kết nối giao thông với đường bộ đối với 3 cầu chung Bắc Giang, Chung Lu (Lào Cai) và Long Đại (Quảng Bình), hiện đã có cầu đường bộ cạnh cầu đường sắt nhưng người dân vẫn có thói quen đi qua cầu đường sắt. Tổng kinh phí dự án dự kiến 800 tỷ đồng. Ảnh: các phương tiện xếp hàng dài lần lượt lên cầu

Kỳ Nam

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/can-canh-cay-cau-oan-lung-ganh-ca-o-to-va-tau-hoa-d435889.html