Cận cảnh cầu vượt đi bộ bị biến thành hộp quảng cáo

Có thiết kế để phục vụ người đi bộ và được xây dựng bằng ngân sách với hàng nghìn tỷ đồng, nhưng sau khi được đưa vào sử dụng ít lâu toàn bộ 45 cầu vượt đi bộ Hà Nội đã lần lượt bị biến thành hộp quảng cáo. Đây là sản phẩm của dự án 'xã hội hóa' được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt để đổi lấy nhà vệ sinh công cộng…

Theo Quyết định số 2856/QĐ-UBND được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 18/5/2017, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận để Công ty CP thương mại và truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) thực hiện dự án xây dựng nhà vệ sinh, đầu tư 10 xe bồn, 50 cây lọc nước và 200 ghế gang đúc phục vụ công cộng trên địa bàn thành phố; tổng giá trị của dự án là 193 tỷ đồng. Đổi lại, Công ty Vinasing được phép khai thác quảng cáo trên các CVĐB trong vòng 10 năm.

Về tiến độ thực hiện, quyết định trên nêu rõ: DN triển khai dự án bắt đầu từ quý I/2017 đến quý III/2017 (khoảng 7 tháng). Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như rà soát tiến độ dự án, Sở Xây dựng (đơn vị quản lý dự án trực tiếp) cũng lưu ý, DN chỉ được thực hiện quảng cáo trên CVĐB khi đã bàn giao 2/3 số công trình công cộng.

Tuy nhiên, ngoài tiến độ thực hiện và bàn giao các công trình trên bị chậm (đến nay nhà đầu tư mới bàn giao 84/500 nhà vệ sinh) chất lượng kém, việc thực hiện treo biển quảng cáo trên cầu vượt hiện nay cũng có nhiều vi phạm các quy định về quảng cáo ngoài trời.

Cụ thể, Quy hoạch và Quy chế quản lý quảng cáo của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Về vị trí lắp đặt biển quảng cáo tại cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ, việc treo, gắn biển quảng cáo phải thực hiện ở mặt trong lan can cầu, hầm nhằm đảm bảo cảnh quan và tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông bên dưới. Tuy nhiên, trên tất cả các biển quảng cáo đã được Vinasing lắp đặt trên nhiều cầu Hà Nội, trong đó có cầu trên đường Trần Huy Hưng, Láng Hạ, Giải Phóng, Xã Đàn, Nguyễn Trãi… đều lắp phía ngoài như thế này.

Về chiều cao: để không ảnh hưởng đến thiết kế, mỹ quan, biển quảng cáo không vượt quá chiều cao lan can cầu… Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều vị trí CVĐB đã được Cty Vinasing lắp đặt biển quảng cáo vừa qua, chúng tôi thấy rằng biển quảng cáo còn vượt cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần chiều cao thành lan can cầu như ảnh chụp tại CVĐB Trần Huy Hưng này.

Từ chỗ thoáng đãng, có mỹ quan, an toàn để mỗi khi qua đường, từ khi lan can hai bên cầu bị biển quảng cáo tấm lớn bịt hết khoảng thoáng hai bên, khiến bên trong cầu vượt đi bộ như một cái hòm. Vào ngày nắng thì nóng bí, vào ngày mưa thì ẩm tối, thậm chí do bị bịt kín hai bên nên nhiều cầu đi bộ đang trở thành bãi đáp của nhiều loại tệ nạn xã hội như nghiện ngập, móc túi…

Từ thực tế trên, nhiều cầu vượt đi bộ không còn là lựa chọn người dân có nhu cầu.

Từ thực tế trên, nhiều cầu vượt đi bộ không còn là lựa chọn người dân có nhu cầu.

Ngoài bịt mặt cầu vượt với các biển quảng cáo lòe loẹt, do được thiết kế dạng hộp đèn nên về ban đêm các biển quảng cáo này thường sáng rực, gây chói mắt, nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi lại dưới đường.

Với tổng vốn 190 tỷ đồng đầu tư cho các nhà vệ sinh, xe bồn… UBND thành phố Hà Nội “bán” mặt cầu vượt đi bộ Công ty Vinasing được thực hiện dịch vụ quảng cáo trong vòng 10 năm. Tuy nhiên theo giá quảng cáo tại 45 cầu vượt đi bộ đang được Vinasing áp dụng, số tiền này doanh nghiệp này chỉ cần 2 năm là thu đủ. Trong ảnh là một cầu vượt trên Trần Duy Hưng đang được Vinasing bán quảng cáo với giá 200.000 USD (4,6 tỷ đồng)/năm.

Anh Trọng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-canh-cau-vuot-di-bo-bi-bien-thanh-hop-quang-cao-1465308.tpo