Cận cảnh cách người Đồ Sơn chế 'lộc biển' xuất khẩu

Từ một loài thủy sản khi bắt được chỉ mang vứt đi, sứa trở thành món hàng xuất khẩu có giá trị, được coi như 'lộc biển', mang lại thu nhập cao cho ngư dân Hải Phòng.

Đang là chính vụ khai thác sứa ở Hải Phòng nên những xưởng chế biến sứa nằm dọc bến cảng Ngọc Hải, quận Đồ Sơn sáng đèn cả đêm - Ảnh Lê Tân

[VIDEO] Theo chân người thu hoạch sứa

Đang là chính vụ khai thác sứa nên những xưởng chế biến sứa nằm dọc bến cảng Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng sáng đèn cả đêm.

Khoảng 23 giờ, tàu đánh bắt sứa bắt đầu về bến. “Mùa sứa từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Mỗi tháng có 2 con nước, mỗi con nước khoảng 7 ngày. Sứa nổi gần bờ nên chúng tôi chỉ ra vùng biển Long Châu, Hòn Dấu, cách bờ ít cây số là đánh được”, ông Nguyễn Văn Nhàn, một chủ tàu vừa bốc những con sứa vào rọ để đưa lên bờ vừa nói. Sứa bốc vào rọ được đếm cẩn thận vì tiền tính theo con. Giá mỗi con từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng. Một chuyến ra biển, ngư dân có thể bắt được từ 300 đến 1.000 con sứa.

Ở bến cảng Ngọc Hải có 6 cơ sở chế biến sứa. Mỗi cơ sở sẽ đón khoảng 10 tàu sứa mỗi ngày. Sứa từ tàu mang lên bờ có mùi tanh rất đặc trưng nên nhiều người mới đến có thể không chịu nổi. Sứa được đưa vào một sân lớn, nơi có hàng chục người đang đợi sẵn để sơ chế. "Việc sơ chế sẽ diễn ra đến khi hết sứa thì thôi. Thông thường chúng tôi làm từ 23 giờ đêm đến 7 giờ sáng", bà Bùi Thị Lý, một người làm sứa cho biết.

“Óc, chân và tay sứa được cắt ra khỏi thân (bìa) rồi cho vào bể quay từ 8 - 10 giờ. Công đoạn này để tách dịch nhớt khỏi con sứa. Sau đó thay nước trong bể rồi quay trong 1 giờ nữa để làm sạch. Sứa sạch được cho vào bể nước muối có độ mặn khoản 25%, ngâm khoảng 1 tuần cho đến khi nước trong, sứa hết mùi là được”, anh Phạm Văn Thuấn, kỹ thuật viên của xưởng sứa Dũng Diệp, cho biết.

Óc, chân, tay sứa là những phần ngon nhất, giá trị nhất có giá khoảng 60.000 đồng/kg. Bìa có giá khoảng 13.000 đồng. 80% lượng sứa thành phẩm ở đây được xuất đi Trung Quốc, số còn lại bán trong nước để chế biến thành nộm sứa, canh sứa, bún sứa...

Sứa được tiêu thụ mang lại cho ngư dân nguồn thu nhập khá lớn và được ngư dân Đồ Sơn coi như "lộc biển". Ông Hoàng Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn, Hải Phòng), cho biết: “Vào vụ sứa, mỗi tàu thu khoảng 200 triệu 1 tháng. Trong khi đó, tại xưởng chế biến có từ 15 - 20 lao động. Thu nhập cả vụ của mỗi lao động cũng từ 40 - 50 triệu đồng”.

Dưới đây là hình ảnh Thanh Niên ghi nhận việc sơ chế sữa tại bến cảng Ngọc Hải:

Từ một loài thủy sản khi bắt được chỉ mang vứt đi, gần đây sứa trở thành món hàng xuất khẩu có giá trị mang lại thu nhập cao cho ngư dân Hải Phòng. - Ảnh Lê Tân

Mùa sứa từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Mỗi tháng có 2 con nước, mỗi con nước khoảng 7 ngày. Sứa nổi gần bờ nên ngư dân chỉ ra đến đảo Long Châu, đảo Hòn Dấu là đánh bắt được Ảnh Lê Tân

Khoảng 23 giờ đêm, tàu đánh bắt sứa bắt đầu về bến Ảnh Lê Tân

Sứa từ tàu được kiểm đếm từng con rồi mang lên một khoảng sân rộng để sơ chế Ảnh Lê Tân

Hàng chục lao động sẽ làm việc từ đêm đến sáng để sơ chế sứa Ảnh Lê Tân

Óc, chân và tay sứa được cắt ra khỏi thân (bìa) Ảnh Lê Tân

Công việc sơ chế sứa mang lại cho mỗi người lao động từ 40 - 50 triệu đồng trong 3 tháng mùa vụ Ảnh Lê Tân

Sứa sau khi cắt sẽ cho vào bể quay từ 8 đến 10 tiếng để loại bỏ chất nhờn Ảnh Lê Tân

Tiếp sau, sứa được ngâm với nước ngọt và tiếp tục quay khoảng 1 tiếng Ảnh Lê Tân

Sứa sạch được cho vào bể nước muối có độ mặt khoảng 25% Ảnh Lê Tân

Sứa được ngâm trong nước muối khoảng 1 tuần cho đến khi nước trong, là có thể đóng thùng giao cho khách Ảnh Lê Tân

80% lượng sứa được xuất đi Trung Quốc mang lại thu nhập cao cho ngư dân - Ảnh Lê Tân

Lê Tân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/anh-can-canh-cach-nguoi-do-son-che-loc-bien-xuat-khau-1062474.html