Cận cảnh 4 cá thể động vật quý hiếm được thả về rừng tại Bình Phước

Bốn cá thể động vật quý hiếm được người dân bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập từ đầu năm 2021. Nay đã được thả về rừng tự nhiên sau 4 – 5 tháng chăm sóc.

 Bốn cá thể động vật quý hiếm được thả về rừng tự nhiên bao gồm 1 cá thể culi nhỏ, 1 cá thể mèo rừng và 2 cá thể khỉ đuôi dài, được người dân phát hiện và bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập từ đầu năm 2021.

Bốn cá thể động vật quý hiếm được thả về rừng tự nhiên bao gồm 1 cá thể culi nhỏ, 1 cá thể mèo rừng và 2 cá thể khỉ đuôi dài, được người dân phát hiện và bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập từ đầu năm 2021.

Sau khi tiếp nhận từ người dân, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã chăm sóc, chữa bệnh cho bốn con vật để đảm bảo sức khỏe cho chúng trước khi thả về tự nhiên.

Qua 4-5 tháng, nhận thấy cả 4 cá thể động vật hoang dã trên đã khỏe mạnh và thích nghi với môi trường tự nhiên, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bù Gia Mập - Phước Long và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã tiến hành thả chúng về rừng.

Culi nhỏ có tên khoa học Nycticebus pygmaeus, thuộc họ Culi Loricidae bộ Linh trưởng Primates. Chúng trông giống như Cu li lớn (Nycticebus coucang), nhưng nhỏ hơn và ở lưng màu vàng hơn. Xung quanh hai mắt có vòng tròn lông màu nâu vàng. Có hai dải lông màu nâu sẫm chạy từ đỉnh đầu xuống trên hai mắt.

Từ hai gốc tai của culi có hai vệt rộng màu nâu đỏ chạy từ trên đỉnh đầu và nối với nhau. Lông mềm mại, màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi có vệt trắng.

Dọc sống lưng của chúng không có sọc hoặc rất mờ, bụng trắng vàng ánh bạc. Răng hàm thứ hai lớn hơn răng hàm thứ nhất. Ngón chân thứ 2 có vuốt, các ngón chân khác có móng. Culi nhỏ thuộc Nhóm IB ( động vật rừng quý hiếm, nguy cấp).

Mèo rừng tên khoa học là Felis silvestris, thuộc giống mèo nhỏ Felidae. Đây là loài động vật có môi trường sống thuở sơ khai là rừng rậm, thảo nguyên và xavan. Hiện nay, mèo rừng thích nghi được với rất nhiều môi trường sống từ lục địa đến hoang đảo.

Mèo rừng có có hình dáng và thể trạng giống như mèo nhà. Lông màu vàng nhạt, đốm hoặc sọc nâu đen. Phần dưới của mèo rừng là màu xám hoặc đen tuyền. Chúng có chiều dài khoảng 45 – 80cm, trọng lượng 3 – 6kg, vai rộng trung bình khoảng 35cm, đuôi dài 30cm.

Mèo rừng rất thận trọng thường tránh xa hoàn toàn nơi con người sinh sống. Nó cũng giữ một khoảng riêng biệt với những loài khác, sống đơn độc. Lãnh thổ rộng từ 1,5 – 12km2, tùy thuộc vào từng địa phương có mèo rừng cư trú. Chúng là động vật thuộc Danh mục nhóm IIB ( động vật rừng nguy cấp, quý hiếm).

Khỉ đuôi dài có tên khoa học là Macaca fascicularis, chúng sở hữu chiếc đuôi dài gần bằng hoặc hơn chiều dài cơ thể, lông chúng thường có màu xám đến nâu đỏ. Màu lông phía sau nhạt hơn, và lông trên đầu mọc hướng về sau. Chúng thường có mào, mặt có màu hồng.

Con đực lớn thường có hai chỏm lông trắng trên miệng như bộ ria. Con cái có lông quanh mồm thưa hơn. Con non sinh ra thường có màu đen. Thức ăn chủ yếu của chúng là quả, hạt, nõn cây, lá và động vật như côn trùng, ếch, nhái, cua…. Khỉ đuôi dài hoạt động vào ban ngày và trên cây. Loài này bơi rất giỏi và thường nhảy xuống nước từ cành cây.

Khỉ đuôi dài sống thành đàn từ 10-100 con. Trung bình 1 con đực sẽ có 2,5 con cái. Điểm đặc biệt khỉ chúa là dáng vẻ oai phong. Đồng thời, khỉ chúa chỉ “cưng nhất” một chú khỉ con nào đó. Và chú khỉ con ấy sẽ được xem là “thái tử” kế vị ngôi sau này. Loài động vật này cũng thuộc nhóm IIB tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Mời các bạn xem video: Top 10 Loài Động Vật Sống Lâu Nhất Trái Đất. Nguồn: Yan News

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/can-canh-4-ca-the-dong-vat-quy-hiem-duoc-tha-ve-rung-tai-binh-phuoc-1544233.html