Cận cảnh 2 chiến hạm Hải quân Hàn Quốc vừa ghé thăm Đà Nẵng

Hai chiến hạm ROKS Kang Gam Chan (DDH-979) và tàu hậu cần ROKS HWACHEON (AOE-59) của Hải quân Hàn Quốc vừa bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tại TP Đà Nẵng.

Ngày 18/9, tàu khu trục tên lửa ROKS Kang Gam Chan (DDH-979) và tàu hậu cần ROKS HWACHEON (AOE-59) đã cập cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), bắt đầu chính thức chuyến thăm TP Đà Nẵng của lực lượng Hải quân Hàn Quốc.

Đây là hai tàu hải quân “hạng nặng” của Hải quân Hàn Quốc dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Yang Yong Mo - Chỉ huy trưởng Nhóm huấn luyện tuần tra trên biển làm Trưởng đoàn, cùng 633 sỹ quan, thủy thủ Hải quân Hàn Quốc.

Hai tàu Hải quân Hàn Quốc đến thăm Đà Nẵng từ 18 đến 21/9.

Trong thời gian có mặt tại Đà Nẵng, hai tàu Hải quân Hàn Quốc giao lưu thể thao với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Tham quan giao lưu văn hóa; Tặng sách, dụng cụ học tập các em tại Trung tâm Từ thiện TP Đà Nẵng và giúp Trung tâm dọn dẹp vệ sinh.

Đặc biệt, lực lượng Hải quân Việt Nam và Hàn Quốc bên sẽ có những hoạt động chia sẻ về các vấn đề trên biển cũng như nhân đạo. Chuyến thăm của hai tàu Hải quân Hàn Quốc trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2017)

Trước đó, từ ngày 4/9-7/9, tàu huấn luyện Badaro (3011 HAM) của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cũng có chuyến thăm xã giao tại TP Đà Nẵng và có các hoạt động trao đổi với lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 Việt Nam.

Dưới đây hình ảnh chiến hạm của Hải quân Hàn Quốc vừa có mặt tại Đà Nẵng:

ROKS Kang Gam Chan (DDH-979) là tàu khu trục có hô hiệu HLFL có chiều dài 150 m, chiều rộng 17,4 m, chiều cao 38,5 m, độ sâu an toàn 9,4 m, dãn nước 5.500 tấn, biên chế 344 người do Trung tá Park Chang Joo làm thuyền trưởng.

Tàu Kang Gam Chan (DDH-979) thuộc lớp tàu khu trục tên lửa lớp Chungmugong Yi Sunshin – được phát triển dựa trên chương trình KD-II của Hàn Quốc, được hạ thủy tháng 3/2006 và đi vào hoạt động cuối năm 2007.

Thân tàu Kang Gam Chan thiết kế đảm bảo khả năng giảm tín hiệu hồng ngoại đồng thời giảm diện tích phản xạ radar. Con tàu được đánh giá là có khả năng sống sót cao, bảo vệ thủy thủ đoàn trước cuộc tấn công sinh – hóa học.

Tàu Kang Gam Chan được triển khai cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát, tuần tra, chống ngầm, chống hạm, tấn công mục tiêu trên bộ.

Khu trục hạm Kang Gam Chan lắp hệ thống động lực kết hợp giữa hai động cơ diesel MTU và 2 động cơ tuốc bin khí LM2500 cho phép đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/h, tầm hoạt động tối đa khoảng 6.500 km.

Đặc biệt, tàu được trang bị khí tài quân sự hạng nặng gồm hệ thống tên lửa hành trình hạm đối đất, đối không, đối hạm và đối ngầm, hangar trực thăng, hệ thống phóng ngư lôi….

Tàu hậu cần ROKS HWACHEON (AOE-59) cũng là tàu khu trục hô hiệu HLFL có chiều dài 134 m, chiều rộng 18 m, chiều cao 36,5 m, độ sâu an toàn 8,5 m, dãn nước 9.132 tấn, biên chế 289 người do lee Yong Oh làm thuyền trưởng. Tàu hậu cần thuộc lớp Cheonji của Hải quân Hàn Quốc với khả năng cung cấp nhiên liệu, lương thực và các hoạt động cứu hộ cho lực lượng tác chiến trên biển.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/can-canh-2-chien-ham-hai-quan-han-quoc-vua-ghe-tham-da-nang-d53121.html