Cán cân vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ: Ai mới là số 1?

So sánh cả 3 thành tố trong 'Bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược' trên không, trên biển và trên mặt đất, Nga tỏ ra vượt trội so với Mỹ.

Mỹ nỗ lực bắt kịp Nga về vũ khí hạt nhân

Câu trả lời của Mỹ với các tên lửa đạn đạo liên lục địa nổi tiếng thuộc thế hệ mới của Nga, ví dụ như RS-28 Sarmat là gì? Lầu Năm Góc sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân bằng gì? Đây là những câu trả lời mà giới chuyên gia quân sự Nga-Mỹ đang tìm cách trả lời.

Bài viết trên trang web của Sputnik dẫn lời Giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga Sergey Sudakov cho biết, sau khi Tổng thống Vladimir Putin trình bày vũ khí chiến lược hiện đại của Nga ngày 01 tháng 3 năm nay, một thực tế rõ ràng là Washington đang ở phía sau Moscow.

Theo giới chuyên gia Nga, người Mỹ có kho vũ khí hạt nhân mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau nước số một là Nga - giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Sergei Sudakov nói và nhấn mạnh rằng, thực tế này sẽ tiếp diễn trong ít nhất khoảng 5-7 năm nữa.

Trong khoảng thời gian này Mỹ sẽ làm mọi việc để lấp đầy khoảng cách công nghệ, hoặc ít nhất là giảm thiểu sự thua kém với Nga; đồng thời sẽ tìm mọi cách để "phanh" nước Nga lại, ví dụ như các lệnh trừng phạt làm Nga khó khăn về kinh tế, giảm đầu tư quốc phòng, hoặc cấm Nga tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Trên thực tế, hiện nay Nga đang bị Mỹ tìm cách hãm lại, bằng các biện pháp tổng hợp về kinh tế, quân sự và chính trị. Nhưng Nga đã có sự khởi đầu tốt (kế thừa và phát triển trên nền tảng công nghệ cao của Liên Xô) và sử dụng điều đó một cách khôn ngoan để đảm bảo an ninh đất nước.

Các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của những hệ thống tấn công chiến lược mà Bộ Quốc phòng Nga mới công bố đã làm cho phương Tây lo ngại một cách nghiêm túc. Và ngay lập tức, họ đã phân bổ ngân sách đáng kể, hy vọng ít nhất đuổi kịp sự phát triển của Nga.

So sánh về bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược thì Nga mạnh hơn Mỹ

Hiện Mỹ đã gia tăng nhóm vệ tinh trên quỹ đạo, điều này gián tiếp chỉ ra việc Lầu Năm Góc đã nối lại các nghiên cứu về vũ khí siêu thanh. Không có vệ tinh sẽ rất khó khăn hướng dẫn tên lửa siêu thanh bay đến mục tiêu, vì nó mất sự kiểm soát ở tốc độ cao.

Ngoài ra, cũng có dấu hiệu người Mỹ đang tích cực phát triển lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ để tạo ra các hệ thống vũ khí tên lửa với phạm vi bay hầu như không giới hạn, tương tự như Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi kho vũ khí hạt nhân của Nga là mối đe dọa chính từ bên ngoài và nhấn mạnh rằng, Washington sẽ tiếp tục đầu tư vào việc hiện đại hóa bộ ba chiến lược để đáp trả các thách thức từ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga.

Về vũ khí mặt đất, thành phần chính và duy nhất trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ là tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III (MDBs), đã được đưa vào hoạt động từ cuối những năm 1960. Chúng có khả năng mang ba đầu đạn 340 kilotons hoặc một đầu đạn 400-475 kilotons, đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 13.000 km.

Ngân sách quân sự của Mỹ hàng năm phân bổ rất nhiều tiền dành cho việc hiện đại hóa kho vũ khí ICBM, nên ICBM Minuteman III liên tục được nâng cấp. Theo Nhà Trắng, tên lửa sẽ trực chiến ít nhất đến năm 2030.

Hiện Mỹ vẫn chưa có có bất kỳ sự thay thế nào cho Minuteman, nhưng Lầu Năm Góc hiểu rằng, một loại tên lửa mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, kể cả Mỹ quyết tâm phát triển loại tên lửa thay thế Minuteman III ngay ở thời điểm hiện nay, cũng phải 2 thập kỷ nữa Mỹ mới có thể đưa ra loại tên lửa đủ sức làm đối trong với Nga.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/can-can-vu-khi-hat-nhan-nga-my-ai-moi-la-so-1-3366330/