Cán cân Trung Đông thay đổi nếu Iran có Su-30

Mỹ lo ngại Iran sẽ có thể tự do mua các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất

Vào ngày 18 tháng 10 sắp tới, lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho Iran sẽ hết hạn. Điều này có nghĩa là Tehran sẽ có thể cố gắng thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực theo hướng có lợi bằng cách mua những vũ khí mới nhất từ Trung Quốc và Nga.

Còn hiện giờ thì Mỹ đang kêu gọi tất cả "các quốc gia yêu chuộng hòa bình" từ chối bán vũ khí cho Iran, nơi được gọi là có "chế độ khủng bố kinh tởm nhất thế giới".

Ai mới thực sự là "kẻ khủng bố khét tiếng số một thế giới" là chủ đề cho một câu chuyện khác, còn mối quan tâm lớn nhất đối với Washington là khả năng Tehran sẽ mua máy bay chiến đấu Su-30 hạng nặng của Nga với nhiều phiên bản khác nhau.

Không hề cường điệu, có thể loại máy bay này có khả năng thay đổi cán cân ở Trung Đông có lợi cho nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Dưới đây là những gì mà người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo, nói về điều này:

“Nếu lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, Iran sẽ có thể tự do mua các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất, có thể tấn công trong bán kính tới 3.000 km, tới các thành phố như Riyadh, New Delhi, Rome và Warsaw”.

Đối với Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi, thì ít nhiều còn có thể hiểu được, nhưng nó có liên quan gì đến Ý, Ấn Độ hay Ba Lan? Nếu nhìn thẳng vào sự thật thì đối thủ chính của Iran là Hoa Kỳ, quốc gia có một mạng lưới các căn cứ quân sự rộng lớn trong khu vực, và các đồng minh của Hoa Kỳ là Israel và Ả Rập Saudi. Washington, Tel Aviv và Riyadh có ít nhất hai lý do phải lo lắng.

Một là, Iran hiện đang phải hứng chịu chế độ trừng phạt quốc tế nên buộc phải theo đuổi chính sách bành trướng đối ứng. Tehran đang tích cực hành động thông qua các "đại diện" của mình tại Syria, Lebanon và Yemen, đẩy hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự đến gần biên giới của các đối thủ tiềm năng.

Israel đang đáp trả điều này bằng các cuộc không kích thường xuyên bằng tên lửa và bom. Đồng thời, không quân Israel chắc chắn đang thống trị bầu trời Syria do thái độ trung lập từ phía các hệ thống phòng không Nga.

Thứ hai, đó là chương trình hạt nhân của Iran. Trong khuôn khổ của "thỏa thuận hạt nhân", Tehran đã từ chối thực hiện phần quân sự trong các phát triển của mình, đặt chúng dưới sự kiểm soát của IAEA. Nhưng Hoa Kỳ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận, thực tế là đã phá hoại nó.

Hiện giờ giới lãnh đạo Iran tự cho mình quyền tự do tạo ra kho vũ khí hạt nhân riêng. Đây là điều khiến Tel Aviv hết sức lo ngại, và các lực lượng đặc nhiệm của Israel đã tiến hành các vụ phá hoại để đáp trả.

Vào đêm 2/7, một vụ nổ đã xảy ra tại một trong những cơ sở hạt nhân của Iran. Tất cả các dấu vết đều dẫn đến Israel, nhưng vẫn chưa rõ chính xác cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo Iran đã được thực hiện như thế nào.

Thông tin về vụ nổ tại cơ sở hạt nhân ở Natanz bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ả Rập, Israel và Iran, những bức ảnh về một tòa nhà có dấu vết của vụ nổ bên trong và một vụ hỏa hoạn đã được công bố.

Báo chí Israel viết về việc phá hủy 80% trữ lượng uranium fluoride của Iran, yếu tố quan trọng nhất của nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân:

Không còn nghi ngờ gì nữa, Lực lượng phòng vệ Israel sẽ cố gắng thực hiện một cuộc không kích phủ đầu tàn khốc trên khắp các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran nếu tình báo cho rằng Teheran có bom hạt nhân.

Chắc chắn, Không quân đã lỗi thời của Iran và hệ thống phòng không bị chia nhỏ sẽ không thể chống lại quân át chủ bài của Israel. Mặc dù có số lượng ấn tượng “trên giấy” là 350 máy bay chiến đấu nhưng Không quân Iran rõ ràng là thua kém xa đối thủ.

Số máy bay được liệt kê bao gồm chủ yếu là các loại "đã có thâm niên cao" như F-4, F-5, MiG-29, Su-24, Su-25 và J-7 của Trung Quốc - bản sao của MiG-21 thời Liên Xô. Ngoài ra còn có vài chục F-14 Tomcat còn có thể sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, Israel và Ả Rập Saudi được trang bị F-15, cường kích F-15E, F-16 và F-35 tàng hình, cộng với hàng không Mỹ đóng quân trong khu vực. Nhìn chung, kết cục của cuộc chiến trên không thực sự đã nhìn thấy trước.

Các ấn phẩm chuyên ngành của phương Tây thường xuyên viết rằng việc cung cấp một lượng lớn máy bay chiến đấu Su-30 từ Nga có thể thay đổi hoàn toàn tình hình. Ví dụ như, tờ Military Watch cho rằng Su-30 có khả năng vượt trội so với F-15C của Israel và Saudi.

Một lợi thế dễ chịu nữa là chi phí tương đối khiêm tốn của nó. Các tác giả của The National Interest lưu ý rằng cán cân sức mạnh ở Trung Đông sẽ bị thay đổi nếu Iran nhận được Su-30SM và hệ thống phòng không S-400.

Giá trị của thỏa thuận không thành công năm 2016 trong việc mua bán máy bay Su-30 và Yak-130, máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-17, tổ hợp ven biển Bastion-P, tàu khu trục và tàu ngầm diesel-điện ước tính trị giá 8 tỷ USD.

Một câu hỏi khác là liệu phía Moscow hay Bắc Kinh có cần Tehran trở thành chủ nhân của kho vũ khí hạt nhân hay không? Những gì Kremlin suy tính sẽ trở nên rõ ràng vào tháng Mười tới.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/can-can-trung-dong-thay-doi-neu-iran-co-su-30-3415527/