Cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL

Do giá cá tra nguyên liệu, cá tra giống luôn ở mức cao và ổn định từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều người dân và doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra, công suất 600 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra, công suất 600 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Do giá cá tra nguyên liệu, cá tra giống luôn ở mức cao và ổn định từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều người dân và doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt, sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để sinh sản, ương, nuôi…

Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giảm hiệu quả sản xuất và đe dọa đến sự phát triển ổn định và bền vững của ngành hàng này trong thời gian tới.

"Ồ ạt” đào ao trên đất lúa

Từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An đã đổ xô bỏ lúa sang đào ao nuôi cá tra giống, khiến diện tích ao ương cá tra bột thành cá tra giống ở đây tăng đột biến.

Hiện tổng diện tích đào ao ương của Long An là hơn 1.000 ha; riêng huyện Tân Hưng, cuối năm 2017 chỉ có hơn 500ha ao ương cá tra giống thì nay đã tăng lên tới hơn 800ha.

Trên tuyến kênh T9, T11 thuộc địa phận xã biên giới Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), cứ 10 hộ dân thì có đến 5-7 hộ chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá.

Theo ông Võ Văn Liếp, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, việc nuôi cá giống mang lại lợi nhuận gấp rất nhiều lần so với trồng lúa.

Trung bình một hécta nuôi cá có thể lãi 300-400 trăm triệu đồng/vụ chỉ chừng chưa tới 3 tháng và có thể thả nuôi từ 2-3 vụ/năm. Trong khi đó, thu nhập từ trồng lúa hiện nay chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/ha/vụ đã là trúng.

Cũng ở xã Hưng Điền B, bà Lâm Thị Phượng cho biết, từ trước làm lúa lỗ quá, không có tiền trả nợ, nay thấy nhiều người nuôi cá trúng nên bà cũng “bắt chước” làm theo.

Tuy nhiên, việc đổ xô nuôi theo phong trào này đang mang đến nhiều rủi ro. Trung bình, chi phí đầu tư nuôi cá từ tiền đào ao, tiền giống cá bột, thức ăn, thuốc… lên đến trên 200 triệu đồng/ha.

Với mức đầu tư cao, nhiều hộ nuôi lại chưa nắm bắt kỹ thuật nuôi, chất lượng con giống, chưa đánh giá được tình hình cung cầu thị trường nên nguy cơ thua lỗ là rất lớn.

Bên cạnh đó, việc thả nuôi không theo quy hoạch tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và dễ dẫn đến xung đột với người trồng lúa, do nguồn nước sử dụng nuôi và nước thải được lấy, xả trực tiếp từ các sông, kênh rạch ra bên ngoài, không có ao xử lý nước thải…

Không chỉ ở Long An, tình trạng đào ao nuôi cá trên đất lúa cũng đang diễn ra tương tự ở Đồng Tháp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2018 đến nay, có hơn 100ha đất lúa bị người dân đào ao nuôi cá tra.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích ương giống cá tra chủ yếu tập trung ở tỉnh Đồng Tháp với diện tích khoảng 400 ha, tương đương 2 tỷ bột; tại An Giang là 40ha tương đương 300,5 triệu bột; tại Long An đang ương 800 ha chủ yếu ở huyện Tân Hưng.

Mặc dù giống cá tra hiện đang thiếu cục bộ, tuy nhiên đang xuất hiện bệnh gan thận mủ ở cá giống; đồng thời xuất hiện tình trạng cá giống kém chất lượng do người dân dùng cá bố mẹ là cá thương phẩm, chưa đến tuổi sinh sản.

Nếu không kịp thời kiểm soát, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi cá thương phẩm cũng như tác động đến sự phát triển bền vững của ngành hàng này.

Nhiều rủi ro

Trước tình trạng thả nuôi như hiện nay, theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, nhu cầu và giá cá tra giống sẽ giảm trong tháng 5, 6 do nhu cầu thả đã bão hòa; thời tiết đã thuận lợi hơn, mưa trái mùa ít nên cá ít bệnh; tỷ lệ sống cá bột lên giống cao, tỉ lệ cá chết trong giai đoạn 30 ngày sau khi thả giống giảm.

Do đó, tình trạng dư thừa con giống cá tra sẽ xảy ra vào tháng 5, 6 và có thể người dân tăng diện tích nuôi thương phẩm, giá cá nguyên liệu sẽ giảm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Dự báo này cũng đúng như nhận định của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Ong Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), với tình hình thả nuôi và mở rộng diện tích như hiện nay, nhiều khả năng đến tháng 11-12/2018, sản lượng cá nguyên liệu sẽ vượt quá năng lực của các nhà máy chế biến. Khi đó, việc sụt giảm giá như những năm trước là điều khó tránh khỏi.

Ông Văn cho biết, hiện nay, Trung Quốc nhập khẩu nhiều cá tra Việt Nam là do hầu hết các ao nuôi đều đạt chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế, như BAP, ASC, GlobalGap… và chấp nhận mua với số lượng lớn nếu đạt yêu cầu.

Trong khi đó, việc nhiều hộ nuôi ồ ạt mở rộng diện tích nuôi không nằm trong vùng quy hoạch nên sẽ không được cấp mã số ao nuôi và sẽ không có giấy chứng nhận xuất khẩu. Chắc chắn, khi đó sản phẩm sẽ bị ép giá và ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung của ngành hàng cá tra trên thị trường xuất khẩu.

Chưa kể, thị trường tiêu thụ cá tra vẫn đang còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các thị trường xuất khẩu chính.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên xuất khẩu cá tra sang EU vẫn giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi, dự báo xuất khẩu cá tra sang EU trong quý II năm 2018 giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sang Mỹ lại đang gặp khó vì chương trình thanh tra cá da trơn và áp lực thuế chống bán phá giá quá cao. Dù có nhiều doanh nghiệp Việt đủ điều kiện xuất khẩu cá tra sang Mỹ, nhưng chủ yếu chỉ có 2 doanh nghiệp là Vĩnh Hoàn và Biển Đông xuất khẩu sang thị trường do có mức thuế chống bán phá giá thấp.

Còn tại thị trường Trung Quốc, hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam nhưng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi việc kiểm soát chất lượng không đồng bộ giữa vận chuyển đường biển và đường bộ. Giá xuất qua 2 phương thức này chênh lệch nhau, dẫn đến sự canh tranh không công bằng và gây bất ổn định về nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

Trước tình hình thả nuôi và xu hướng thị trường như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường chỉ đạo, quản lý trong sản xuất cá tra.

Đặc biệt, yêu cầu các tỉnh, thành kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, ương dưỡng giống cá tra theo nội dung Thông tư số 26/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quản lý giống thủy sản.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị các địa phương nuôi cá tra cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra trong thời gian tới.

Hiện ngành nông nghiệp một số địa phương cũng đã có khuyến cáo bà con nông dân đào ao nuôi cá phải theo vùng quy hoạch và tăng cường kiểm soát vùng nuôi./.

Trường Giang-Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/can-can-trong-khi-mo-rong-dien-tich-nuoi-ca-tra-o-dbscl/499624.vnp