Cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030

Đây là đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 3-11.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo đại biểu, trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là "lợi bất cập hại", sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu.

Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác. Đây cũng là lúc đã khai thác cơ bản tài nguyên khoáng sản. Đây là một vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc xem xét.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị rà soát lại các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị rà soát lại các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước. Kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác như thực trạng cử tri đã phản ánh.

Đồng thời, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thủy điện này để có phương án quy hoạch phát triển điện hiệu quả, bền vững; Quốc hội có chuyên đề giám sát việc trồng lại rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã làm phá dỡ một tỷ lệ diện tích rừng đáng kể, làm đất đá dễ xói mòn, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng gia tăng ở các vùng núi trung du.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, theo đại biểu, đã rà soát và đưa ra ngoài danh mục đầu tư rất nhiều dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ, bên cạnh hiệu quả hoạt động của một số công trình thủy điện trong thời gian qua thì một số công trình còn bộc lộ nhiều bất cập, các tác động xấu từ dự án thủy điện đã và đang được đầu tư này thể hiện công tác thẩm định dự án, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án chưa thật sự tốt, bà mẹ thiên nhiên đã trở nên giận dữ hơn bao giờ hết.

Cùng quan tâm đến an toàn hồ đập thủy điện, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, các bộ, các địa phương liên quan và chủ đập phải xây dựng hoàn chỉnh bản đồ vùng hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm chỉ giới quản lý để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập.

Xác định việc xả lũ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh đến đâu thì chủ đập giải phóng mặt bằng đến đó, không giải phóng mặt bằng mà xả lũ hoặc sự cố vỡ đập vượt mốc giới thì có cơ sở để xác định trách nhiệm đền bù của chủ đập đối với thiệt hại cho người dân và các địa phương vùng hạ lưu.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và các đơn vị quản lý trong việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi một cách an toàn, hiệu quả, nhất là thời điểm mưa lũ hoặc hạn hán; giám sát việc phục hồi và trồng rừng kịp thời của chủ đầu tư thủy điện, thủy lợi, bảo tồn, cải thiện môi trường, bảo đảm loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, bảo đảm mật độ, bảo đảm được sự đa dạng sinh học, thảm thực vật và môi trường tương đương rừng tự nhiên.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-can-nhac-loai-bo-cac-du-an-thuy-dien-vua-va-nho-ra-khoi-quy-hoach-dien-den-nam-2030-216054.html