Cần cải tiến môn đạo đức và giáo dục công dân trong nhà trường

Chúng ta đang tập trung thay đổi cách truyền thụ kiến thức chuyển từ lối học ghi chép, nhưng còn việc bồi dưỡng phẩm chất thì sao, đã có giải pháp có tính chất chiến lược nào chưa?

PGS.TS Trần Thị An (ĐH Quốc gia Hà Nội) trình bày tại hội thảo Ảnh: Anh Nhàn

Ngày 11.1, hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong nhà trường” do viện Nghiên cứu giáo dục và Giao lưu quốc tế - ĐH Huế phối hợp với Trường cán bộ quản lí giáo dục TP HCM tổ chức đã đề cập nhiều tới vấn đề giáo dục giá trị trong nhà trường

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị An (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra hạnh phúc và lòng trung thực là các giá trị lớn nhất và xuyên suốt nhất của mỗi người ở nhiều quốc gia. Hiện tượng xuống cấp về văn hóa và đạo đức trong xã hội ở lứa tuổi vị thành niên đáng báo động. Các giá trị truyền thống dần phai nhạt và nhường chỗ cho những giá trị hiện đại.

Các chuyên gia đề ra giải pháp, trong chương trình hiện nay có môn Đạo đức và giáo dục công dân. Việc cần thiết trước mắt là làm sao cải tiến nội dung, cách dạy các môn này để phát huy hơn nữa hiệu quả của môn học.

Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của một số môn như ngữ văn, nghệ thuật, lịch sử trong giáo dục giá trị. Đây là những môn học có nội dung liên quan trực tiếp đến việc hình thành nhân sinh quan, tình cảm, cách ứng xử, cách sống, thái độ của trẻ đối với chính mình và với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, văn hóa nhà trường từ khung cảnh trường, cách trang trí, sắp xếp trong lớp học đến cách ăn mặc, tác phong của thầy cô giáo cũng như cách tổ chức buổi lễ, buổi văn nghệ, thể thao đều có ảnh hưởng lớn tới ý thức giá trị của trẻ. Nói cách khác, giáo dục giá trị nằm trong toàn bộ môi trường và hoạt động thực tiễn của nhà trường.

Tiếp đó, gia đình và xã hội có tác động không kém nhà trường. Thời gian trẻ ở nhà và ngoài trường, tiếp xúc với tivi và mạng xã hội nhiều hơn ở trường. Nếu nhà trường hướng đến những giá trị của tương lai thì gia đình có thế mạnh trong việc giáo dục những giá trị truyền thống và nhân bản, còn xã hội, đường phố thì thường thiên về tuyên truyền cho những giá trị hiện đại.

Bởi vậy dồn hết nhiệm vụ cho ngành giáo dục trong việc trẻ em hư và những hiện tượng đau lòng xảy ra với học sinh, tuổi vị thành niên là không đúng.

Anh Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/dao-tao/can-cai-tien-mon-dao-duc-va-giao-duc-cong-dan-trong-nha-truong-651557.ldo