Cần cái nhìn công bằng hơn

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30.6.2016 quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN ) của Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại việc hạn chế TCTD đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành TPDN thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với ba mục đích: thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư này, TCTD không còn được mua TPDN phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi mua TPDN, ngoài việc phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ban hành quy định nội bộ về mua TPDN, các TCTD còn phải thực hiện một số quy định.

Cụ thể, các TCTD phải “quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này phù hợp với tình hình đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo từng thời kỳ.

Kiểm soát chặt chẽ việc mua TPDN phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao theo đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp”.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30.6.2016 được ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp và thứ cấp đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần tăng tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan và xử lý một số vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và qua quá trình thanh tra, giám sát tại TCTD, NHNN nhận thấy có một số vấn đề cần xem xét và chỉnh sửa.

Tuy nhiên dự thảo này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Về phía các doanh nghiệp, đúng là rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu nhằm mục đích cơ cấu nợ tại các TCTD. Tuy vậy, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ đều xuất phát từ động cơ “nuôi nợ”.

Cụ thể, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ nhằm giảm chi phí tài chính trong điều kiện mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Điển hình như trong giai đoạn 2011-2012, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã phải chịu lãi suất đi vay lên tới 20%/năm.

Sau giai đoạn đó, lãi suất đã giảm dần xuống quanh mức 10%/năm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả nợ cho các khoản vay trước đó với chi phí thấp hơn hẳn. Nhu cầu này của doanh nghiệp vì thế là hoàn toàn chính đáng.

Do vậy, thay vì cấm hoàn toàn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN nên xem xét chỉ hạn chế việc TCTD đầu tư TPDN để cơ cấu cho chính khoản nợ tại TCTD đó, hoặc có thể yêu cầu minh bạch thông tin trong hoạt động phát hành và đầu tư TPDN cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư.

Nếu hạn chế TCTD đầu tư vào TPDN với mục đích cơ cấu nợ chính đáng thì vô hình trung đã thu hẹp phần nào cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp. Hiện TPDN chỉ có thể trông chờ nhiều vào người mua là các ngân hàng vì nhà đầu tư cá nhân rất ít tham gia vào thị trường này do khó thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.

Vy An

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/can-cai-nhin-cong-bang-hon-576384.ldo