Cần cách tiếp cận liên ngành với bệnh đau mạn tính

Với việc Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận hội chứng đau mạn tính (chronic pain) là một căn bệnh độc lập, chuyên gia tại Trung tâm phục hồi chức năng liên ngành Nga kêu gọi phải có cách tiếp cận liên ngành để đối phó với bệnh phức tạp này.

Đau mạn tính nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến cuộc sống của người bệnh xáo trộn - Ảnh: Photoxpress

Đau mạn tính nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến cuộc sống của người bệnh xáo trộn - Ảnh: Photoxpress

Theo Rossiyskaja Gazeta, văn bản phân loại bệnh quốc tế mới của Tổ chức y tế thế giới (WHO) sau lần xem xét lại lần thứ 11 sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2022 với việc các chuyên gia y tế đã nghiên cứu 10 năm và tiếp nhận trên 10.000 thay đổi so với lần xem xét thứ 10. Đặc biệt, đau mạn tính (chronic pain) được công nhận là một bệnh riêng.

Theo các nghiên cứu dịch tễ học nước ngoài, khoảng 20% cư dân của các nước phát triển gặp phải hội chứng đau mạn tính, còn ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ đó đạt tới 40%. Nguyên nhân chính của đau mạn tính là các bệnh về hệ thống cơ xương: viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, tổn thương các khớp của cột sống và đĩa đệm.

Theo cơ quan thống kê Rosstat Nga, có 19,2 triệu người Nga mắc các bệnh cơ xương khớp khác nhau đã được đăng ký, nhưng Hiệp hội các chuyên gia về các bệnh đau khẳng định 30 - 35 triệu người Nga mắc hội chứng đau mạn tính. Thường thì đây là những cơn đau lưng, đau đầu và những cơn đau do hậu quả chấn thương… Và để chữa đau, y học lại không loại bỏ được nguyên nhân đầu tiên gây bệnh. Trên thực tế, từ trước đến nay, một bệnh nhân bị đau mạn tính thường được coi là một bệnh thần kinh, một bệnh tưởng (hypochondriac) khi người bệnh chỉ đơn giản là phóng đại vấn đề của mình.

Bác sĩ A. Loboda - chuyên khoa tại Trung tâm Phục hồi chức năng liên ngành Nga giải thích rằng có 3 loại đau. Loại thứ nhất khi hệ thần kinh cảm giác phản ứng đối với một số kích thích có hại, có khả năng gây hại hoặc phản ứng của các đầu dây thần kinh đối với tổn thương là vết bầm tím, vết thương, bỏng.

Loại thứ hai là đau thần kinh (neuropathic pain) khi cơn đau dữ dội xuất phát từ vị trí chấn thương dọc theo dây thần kinh. Ví dụ, nếu chấn thương ở vùng vai thì cơn đau có thể lan đến đầu ngón tay.

Loại thứ ba là đau do rối loạn chức năng, hoặc đau mạn tính kinh điển, khi vết thương đã lành. Nếu hai loại đau đầu tiên có chức năng cảnh báo hoặc bảo vệ thì loại đau thứ ba không có chức năng đó, vì thế loại đau này được gọi là rối loạn chức năng. Loại đau này khác nhau ở chỗ không có lý do nào rõ rệt, nhưng não không nhận thức chính xác những gì đang xảy ra, xuất hiện một sự bất hòa giữa cơ thể và cấu trúc nhận thức.

Thông thường, cơn đau trở thành mạn tính ở những người bị lo lắng và trầm cảm. Trong nhóm người có nguy cơ mắc bệnh đau mạn tính là những người dùng các chất gây nghiện.

Vị chuyên gia Nga giải thích rằng cảm giác đau làm thay đổi nhận thức của bản thân về thế giới xung quanh. Người bệnh bị xã hội xa lánh, anh ta di chuyển ít hơn, lo lắng, không ngủ đủ giấc, không hồi phục và không thể làm việc bình thường. Người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực chỉ làm tăng thêm nỗi đau.

Chính vì vậy, một bác sĩ sẽ không giải quyết được hội chứng đau mạn tính, vì nó phức tạp. Một cách tiếp cận liên ngành là cần thiết để đối phó với bệnh. Trên thế giới, người ta chú ý nhiều đến việc điều trị bệnh đau mạn tính ví dụ, ở Mỹ có tới 15.000 trung tâm điều trị đau.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/can-cach-tiep-can-lien-nganh-voi-benh-dau-man-tinh-124006.html