Cán bộ tiếp tay để mất rừng?

Chỉ trong 4 tháng, một huyện ở tỉnh Phú Yên đã mất trắng hơn 120 ha rừng tự nhiên, nghi có sự tiếp tay của một số cán bộ huyện và xã

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho hay Cơ quan CSĐT đang điều tra, làm rõ 2 vụ phá rừng trái phép nghiêm trọng xảy ra ở huyện Đồng Xuân.

Phát trắng, đốt sạch

Giữa tháng 7-2016, chỉ đến khi người dân quá bức xúc, báo cho các cơ quan báo chí tới hiện trường, đồng thời thông tin đến chính quyền huyện Đồng Xuân và tỉnh Phú Yên để lập đoàn kiểm tra thì cơ quan chức năng mới phát hiện gần 59 ha rừng tự nhiên thuộc 2 tiểu khu 110 và 120 ở xã Xuân Long, Xuân Quang 2 đã bị phát trắng. Trong đó, phần lớn bị đốt sạch, gỗ đã bị lấy đi và đốt than. Tại hiện trường, đoàn công tác đã tạm giữ 6 xe tải, nhiều cưa máy, gỗ và than.

Qua xác minh của UBND huyện Đồng Xuân và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, đây là diện tích rừng được UBND huyện Đồng Xuân giao cho người dân ở xã Xuân Quang 2 phát triển lâm nghiệp từ năm 2002. Sau đó, những hộ này chuyển nhượng. Ông Nguyễn Chí Công (ngụ xã Xuân Sơn Nam), ông Nguyễn Văn Tự và ông Dương Văn Hiếu đã mua lại rồi thuê người phát trắng. Ông Tự và ông Hiếu khai đều nhờ 1 người tên là La Mo Trung mua bán, chuyển nhượng và làm đơn xin phát dọn thực bì.

Rừng bị tàn phá nặng nề ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên

Trước đó, tháng 5-2016, lực lượng chức năng cũng phát hiện mỗi ngày có hơn 30 người mang rựa, cưa máy vào 2 tiểu khu 83 và 90 của xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân để triệt hạ sạch cây rừng. Sau khi kiểm đếm, đã có gần 110 ha rừng và đất lâm nghiệp bị phát dọn sạch. Xác minh ban đầu cho thấy ông Phạm Xuân Trình (trú xã Xuân Quang 1, là cháu của nguyên bí thư Huyện ủy Đồng Xuân) đã thuê nhiều nhóm đốn hạ, phát trắng hơn 53 ha rừng tại 2 tiểu khu 83 và 90.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Trình đã xuất trình 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 hộ dân La Lan Dư, La Mo Mang, La O Đấu (trú xã Phú Mỡ) với tổng diện tích hơn 43 ha cùng giấy chuyển nhượng đất cho ông, có xác nhận của UBND xã Phú Mỡ. Hiện ông Trình đã bị Cơ quan CSĐT bắt giữ.

Kỷ luật nhiều cán bộ

Trong vụ phá rừng ở xã Xuân Long và Xuân Quang 2, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho rằng việc chặt phá có tổ chức, thực hiện với quy mô lớn, có nhiều người cùng tham gia nhưng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Kiểm lâm và chính quyền phối hợp chưa tốt, có biểu hiện thông đồng, bao che cho các đối tượng vi phạm.

“UBND xã Xuân Long biết việc mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp là bất hợp pháp nhưng không kiểm tra hiện trạng, xác định ranh giới vẫn ký xác nhận vào đơn xin phát dọn thực bì. Khi phát hiện, xã không báo cáo, không tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm, để người dân tiếp tục chặt phá rừng” - ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, ông Tùng cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm Đồng Xuân tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Liên quan đến vụ phá rừng ở xã Phú Mỡ, ngày 5-10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã ra thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số cán bộ, lãnh đạo ở huyện Đồng Xuân. Theo đó, ông Cao Thanh Lương - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét xử lý nghiêm. Ông Nguyễn Hồng Đức, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Ông So Bếp, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, cũng bị kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo. Riêng ông Đặng Văn Trọng - Phó Ban Tổ chức Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - không bị kỷ luật nhưng yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi thiếu trách nhiệm, không kiểm tra kỹ hồ sơ, không phát hiện hồ sơ khống, không đúng quy định.

Các đối tượng này đã lập khống 7 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), tham mưu cho UBND huyện Đồng Xuân cấp GCNQSDĐ với diện tích hơn 126 ha trong tiểu khu 83, 90 đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân giao UBND xã Phú Mỡ quản lý.

“Các vụ phá rừng này còn liên quan một số cán bộ cấp dưới ở Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, Phòng TN-MT huyện hay như chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, phó chủ tịch UBND xã Xuân Long. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đồng Xuân đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm và sẽ có hình thức kỷ luật trong nay mai” - ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, khẳng định.

Trong khi đó, ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, thanh minh: “Tất cả các vụ phá rừng ở huyện Đồng Xuân chỗ nào cũng có giấy chứng nhận hết, có xã ký hết. Vì vậy, anh em kiểm lâm nghĩ là xã cho phát rồi. Anh em ỷ lại việc ấy”.

Về việc mỗi vụ phá rừng đều kéo dài hàng tháng trời nhưng kiểm lâm không thấy đâu, ông Công cho rằng vì đường sá khó đi nên kiểm lâm không đến được. Trong khi đó, vụ phá rừng ở Phú Mỡ chỉ cách trung tâm xã khoảng 6 km. Về trách nhiệm của kiểm lâm, ông Công cho biết chỉ kiểm điểm và luân chuyển địa bàn.

Xe biển số xanh vận chuyển gỗ lậu

Chiều 7-10, ông Lê Thanh Tịnh - Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình - cho biết chiều 6-10, Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn và Tổ Kiểm lâm cơ động số 2 thuộc đơn vị này đã phát hiện ô tô loại 16 chỗ biển số xanh do Đinh Xuân Duẩn (SN 1987, ngụ xã Hóa Sơn) điều khiển có hành vi vận chuyển gỗ lậu. Trong xe chứa 6 khúc gỗ bời lời (thuộc nhóm IV), có tổng khối lượng 0,516 m3. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện cùng tang vật.

Theo ông Tịnh, có thể các đối tượng này đã mua lại xe biển xanh của một cơ quan nhà nước nào đó thanh lý rồi dùng để vận chuyển gỗ lậu nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. “Đây không phải là trường hợp duy nhất. Trên địa bàn huyện Minh Hóa, nhiều đối tượng đã dùng loại xe biển xanh 16 chỗ này để vận chuyển gỗ lậu trái phép” - ông Tịnh nhận định.

M.Tuấn

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/can-bo-tiep-tay-de-mat-rung-20161007220436797.htm