Cần bỏ thuật ngữ 'nhà ở xã hội' gắn với bao cấp của Nhà nước

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng cần loại bỏ thuật ngữ 'nhà ở xã hội' gắn với sự bao cấp của Nhà nước, nên tập trung vào chính sách phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Dân Việt

GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Dân Việt

Nhà ở thương mại giá rẻ là giải pháp chính

Phát biểu tại hội thảo "Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao?" sáng 15.11, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện tại của Việt Nam mang tính bao cấp, không tạo ra được động lực xã hội trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội. Đặc biệt là cuối năm 2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội cũng chững lại cả về nguồn cung lẫn cầu.

Vì thế theo ông Võ, cần phải xem lại các chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ có phù hợp với Việt Nam hay không.

“Riêng đối với nhà ở thương mại giá rẻ, tôi chưa thấy một chính sách phát triển nào cụ thể ngoài việc được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Trong khi đó, nhà ở phân khúc này đang là nhu cầu của đại đa số người dân, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước ta”, ông Võ nói.

GS Võ cũng cho rằng, trong vấn đề này, Việt Nam chưa động viên được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước. Hệ quả là có những dự án đang bị “hụt hơi” từ gói tín dụng ưu đãi. Chủ đầu tư không thể đi vay tín dụng với lãi suất lớn để thực hiện khi biết chắc không có lợi nhuận. Trong dự án đó, chi phí vốn quá cao, Nhà nước lại định giá dự án đó để bán, doanh nghiệp sẽ thấy không có lãi, họ không muốn làm.

Do đó, ông Võ đề nghị cần loại bỏ thuật ngữ "nhà ở xã hội" gắn với bao cấp của Nhà nước. Cần tập trung vào chính sách phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Cùng với đó là có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất và một số loại thuế đối với các dự án phát triển nhà ở thương giá rẻ.

“Phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp chính, có hiệu quả để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân. Các nước họ cũng không sử dụng thuật ngữ "nhà ở giá rẻ" mà họ sử dụng thuật ngữ "nhà ở giá hợp lý". Do đó, cần xây dựng cơ chế đối với nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết vấn đề xã hội, thay vì việc đi theo chính sách phát triển nhà ở xã hội mang nhiều tính bao cấp như hiện nay”, ông Võ nêu.

Cũng theo chuyên gia này, đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, Việt Nam cần phải tìm được nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ nhiều nguồn khác nhau khi lãi suất tín dụng ở Việt Nam lại quá cao.

“Trước việc tín dụng từ Nhà nước đang rất hạn chế, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới nguồn vốn ODA nào đó của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đang quan tâm tới vấn đề xã hội, nhà ở cho Việt Nam”, ông Võ gợi ý.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo - Ảnh: Dân Việt

GS Võ cũng tiết lộ, cách đây khoảng 2 năm, Bộ Xây dựng đã có thảo luận với WB về vấn đề này nhưng không thành công. Nguyên nhân là ý tưởng hai bên khác nhau. Bộ Xây dựng thì quan tâm tới nhà ở xã hội, WB lại quan tâm tới nhà ở giá hợp lý.

“Đây là vấn đề lớn, chính sách nào để phát triển nhà ở xã hội trong khi các chính sách trong Luật Nhà ở 2014 đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu chúng ta chỉ đi theo chính sách phát triển nhà ở xã hội thì đang bị hụt hơi. Tất cả những dự án đang bị “đứt” khi gói tín dụng ưu đãi đã kết thúc, mọi việc đều dừng lại cả”, ông Võ nói.

Mỗi người lao động mua được 1 căn hộ: Khó khả thi

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến năm 2020, nhu cầu nhà ở thu nhập thấp tại Việt Nam là 17,2 triệu m2, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 14,1 triệu m2. Nhu cầu này vượt quá khả năng đáp ứng của nền kinh tế. “Nếu vẫn sử dụng phương thức tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp theo phương pháp cũ thì sẽ khó đạt được các mục tiêu ổn định xã hội và nâng cao đời sống của người lao động”, ông Kiên nói và cho rằng quan điểm mỗi người lao động phải mua được một căn hộ là điều khó khả thi.

Theo ông Kiên: “Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và các văn bản liên quan không quy định Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho công dân sở hữu nhà ở mà chỉ khẳng định nhà nước tạo điều kiện cho công dân có chỗ ở ổn định”.

“Cần phải nhận thức mới về vấn đề này theo hướng Nhà nước, các nhà đầu tư, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xây dựng một hệ thống nhà ở cho người lao động thuê trong thời gian làm việc tại các khu công nghiệp; đồng thời hình thành hệ thống nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để người dân thuê lại với giá hợp lý. Việc sở hữu nhà ở chỉ đặt ra với những người có thu nhập trung bình khá trở lên”, ông Kiên bình luận.

Theo ông Kiên, phương án này giúp Nhà nước thu hồi đất, xây dựng các khu nhà ở xã hội ít gặp khó khăn trong việc đền bù và tái định cư cho những người bị thu hồi đất; không tạo ra mâu thuẫn giữa những cư dân địa phương bị thu hồi đất với những người đến ở trong các khu nhà xã hội được xây dựng trên các mảnh đất đó.

Đồng thời, Nhà nước vẫn giữ được quỹ đất và tài sản hình thành trên đất là tài sản công. Khi định giá cho thuê, Nhà nước sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế của từng giai đoạn của người lao động, có chính sách bù lỗ thông qua việc bảo trì căn hộ, duy trì các diện tích công cộng sử dụng chung như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí của trẻ em và người già…

“Điều này tránh được tình trạng lợi nhuận có được từ chênh lệch địa tô rơi vào túi một số đối tượng, gây bất bình trong xã hội và làm phân hóa sâu sắc hơn khoảng cách giàu - nghèo”, ông Kiên phân tích.

Trích GDP làm nhà ở xã hội?

Theo ông Đinh Quốc Thắng - Phó tổng giám đốc Mường Thanh, nguồn vốn quan trọng từ ngân sách nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển… có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách phát triển nhà ở. Tuy nhiên, nguồn vốn này không ổn định, tùy thuộc vào kinh phí phân bổ của trung ương và địa phương.

Mường Thanh kiến nghị Nhà nước nên nghiên cứu phương án trích tỉ lệ phần trăm GDP cho việc phát triển nhà ở. Tương tự quy định tỉ lệ phần trăm dành cho nguồn nghiên cứu khoa học (ví dụ: 0,5-1% GDP) hoặc dành ngân sách nhà nước cố định 5 năm, hằng năm cho phát triển nhà ở (cả ngân sách nhà nước trung ương và ngân sách nhà nước địa phương).

Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ từ 1 - 4% lãi suất vay mua nhà trong vòng 10 - 20 năm lấy từ các quỹ tiết kiệm nhà ở. Chính phủ cần hình thành cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính, tín dụng, thuế, quỹ đất cho người mua nhà và các đơn vị phát triển loại hình nhà ở này.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/can-bo-thuat-ngu-nha-o-xa-hoi-gan-voi-bao-cap-cua-nha-nuoc-101031.html