Cán bộ tất bật giải quyết thủ tục hành chính cho người dân TP Thủ Đức

Sau khi TP Thủ Đức vận hành, người dân có thể làm thủ tục hành chính tại trụ sở của 3 quận cũ. Do đó, người dân làm thủ tục thuận lợi hơn nhưng công việc của cán bộ tăng lên.

 Từ ngày thành lập TP Thủ Đức, nơi tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính của TP Thủ Đức tại số 2/304, Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, đông đúc hơn trước đây. Bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Phó chánh văn phòng UBND quận 9, cho biết trước khi TP Thủ Đức chính thức vận hành, có hôm lượng người đến làm hồ sơ tăng 3-4 lần so với ngày thường.

Từ ngày thành lập TP Thủ Đức, nơi tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính của TP Thủ Đức tại số 2/304, Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, đông đúc hơn trước đây. Bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Phó chánh văn phòng UBND quận 9, cho biết trước khi TP Thủ Đức chính thức vận hành, có hôm lượng người đến làm hồ sơ tăng 3-4 lần so với ngày thường.

"Nhiều người lo lắng các thủ tục sẽ thay đổi so với trước đây nên họ dồn đến làm hồ sơ. Hôm 21/1, một ngày trước khi TP Thủ Đức chính thức vận hành, nơi tiếp công dân đông nghịt người. Cán bộ phải giải thích cho người dân hiểu là các hoạt động không có gì thay đổi. Đến 27/1, các hoạt động bình thường như trước", bà Thúy cho hay.

Hiện, các hồ sơ hành chính tại TP Thủ Đức được đóng con dấu mới. Các con dấu cũ đã được thu hồi hôm 25/1.

Sau khi đi vào vận hành, TP Thủ Đức được chia thành 3 khu vực để quản lý hành chính: Khu vực 1 là quận 2 cũ, khu vực 2 là quận 9 cũ, và khu vực 3 là quận Thủ Đức cũ. Trụ sở UBND ở 3 khu vực là nơi tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân.

Nơi tiếp nhận và trả hồ sơ tại khu vực 2 luôn có cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục và giải đáp các câu hỏi liên quan đến thành phố mới.

Chị Võ Thị Hoa Quỳnh đến điểm tiếp nhận hồ sơ từ 8h để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Khi có thông tin sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức, chị băn khoăn nhất là sự thay đổi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi đến làm việc, chị nhận thấy không có thay đổi, trừ việc đổi địa danh từ quận 9 thành TP Thủ Đức.

Chuyên viên tiếp nhận hồ sơ tại đây cho biết đa số người dân đặt câu hỏi về thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Ví dụ như với các thủ tục của văn phòng đăng ký đất đai, cán bộ vẫn tiếp nhận ở các văn phòng cũ nhưng sẽ chuyển về trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức (ở phường Bình Thọ) để đóng dấu. Sau đó, các hồ sơ này được chuyển lại các chi nhánh để trả cho người dân.

Chị Lê Thị Sen, nhân viên phụ trách pháp chế nhà đất của một công ty luật, cho biết từ khi TP Thủ Đức vận hành, chị đã nộp 3 bộ hồ sơ.

Những ngày đầu TP Thủ Đức đi vào vận hành, hầu hết người dân đánh giá hài lòng với quá trình làm thủ tục hành chính.

Ngày 26/1, nơi tiếp nhận và trả hồ sơ của TP Thủ Đức tại số 2/304, Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, đã nhận 197 hồ sơ và trả 208 hồ sơ cho người dân. Các cán bộ tại đây cho biết dù khối lượng công việc tăng, họ vẫn cố gắng đảm bảo thời gian hoàn thiện thủ tục cho người dân.

Phạm Ngôn - Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-bo-tat-bat-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-cho-nguoi-dan-tp-thu-duc-post1177557.html