Cán bộ TAND huyện Hoài Đức: 'Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư'

TAND huyện Hoài Đức là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua của ngành tòa án. Nhiều năm, đơn vị là Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua của TAND và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Chánh án TAND TC. Nhân dịp Xuân mới, PV báo PL&XH có cuộc trò chuyện với Chánh án Nguyễn Sinh Thành.

Hoài Đức là huyện giáp ranh trung tâm Thủ đô Hà Nội, là vùng đang phát triển “nóng”, vậy tình hình thực tế tại địa phương có ảnh hưởng đến công tác xét xử của TAND huyện không thưa ông?

Huyện Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án đô thị, cụm, điểm công nghiệp, có nhiều đường giao thông quan trọng đi qua như: Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32. Những năm qua, nền kinh tế của huyện thay đổi và phát triển nhanh, tình hình chính trị, an ninh ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng, các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và các vụ án hành chính tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và cơ quan TAND huyện Hoài Đức nói riêng ngày càng nặng nề hơn.

Ông có thể cho biết về kết quả công tác những năm qua của TAND huyện Hoài Đức?

Từ năm 2015 -2019, TAND huyện thụ lý 3.851 vụ án các loại, đã giải quyết 3.819 vụ, đạt tỷ lệ 99,2%; bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 165,4 vụ/năm. Cơ quan không có vụ án để quá hạn luật định. Kết quả công tác giai đoạn 2015-2019 đều vượt các chỉ tiêu thi đua đã đề ra, trong đó: án hình sự 99,6%, dân sự: 99%, hành chính và áp dụng biện pháp hành chính: 100%. Thi hành án hình sự và miễn giảm tiền phạt, án phí: 100%.

Chánh án Nguyễn Sinh Thành là 1 trong 96 cá nhân điển hình tiến tiến được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ IV; ông là Thẩm phán tiêu biểu năm 2020

Chánh án Nguyễn Sinh Thành là 1 trong 96 cá nhân điển hình tiến tiến được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ IV; ông là Thẩm phán tiêu biểu năm 2020

Về việc cho hưởng án treo, ông có thể cho biết, việc thực hiện của TAND huyện Hoài Đức?

Quán triệt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TAND TC và TAND TP Hà Nội về việc khắc phục việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, việc áp dụng chế định án treo và hình phạt không phải là hình phạt tù đều được HĐXX xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nên các trường hợp cho hưởng án treo và áp dụng hình phạt không phải là hình phạt tù đều đảm bảo có căn cứ pháp luật. Kết quả các đợt kiểm tra của TAND TP Hà Nội đã kết luận, đường lối xét xử của TAND huyện Hoài Đức là nghiêm minh, không có trường hợp nào cho hưởng án treo và hình phạt không phải là hình phạt tù không đúng quy định của pháp luật. TAND huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan tố tụng trong huyện xác định 81 vụ án điểm để tập trung điều tra, truy tố, xét xử. Các vụ án nghiêm trọng, án điểm đều được khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

TAND huyện Hoài Đức là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của ngành, ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm hay?

Mỗi công chức, người lao động trong đơn vị đều ý thức rất rõ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng. Quán triệt chủ đề thi đua của hai cấp TAND TP Hà Nội “Đoàn kết – Kỷ cương – Minh bạch – Hiệu quả”, với mục tiêu tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. TAND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua cụ thể trong đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, bám sát sự chỉ đạo và hướng dẫn của TAND TC với chủ đề xuyên suốt: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cụ thể: Xây dựng quy chế công tác, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cán bộ trong cơ quan, xây dựng kế hoạch làm việc khoa học và cải tiến trong công tác giao án đối với từng thẩm phán và thư ký; triển khai chỉ đạo việc áp dụng tin học trong công tác soạn thảo biên bản, viết bản án; ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới cải cách hành chính tư pháp; đổi mới cách thức nghiên cứu hồ sơ và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự.

Ông có thể cho biết về nề nếp ứng xử của công chức TAND huyện Hoài Đức trong công tác tiếp công dân?

Chúng tôi luôn xác định, văn hóa ứng xử của thẩm phán, cán bộ công chức tòa án trong công tác tiếp công dân, người tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao nhất lượng và hiệu quả công tác, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân, tỷ lệ hòa giải thành, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo; xây dựng hình ảnh người cán bộ TAND thân thiện, gần gũi, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với cơ quan tòa án.

Trong hoạt động của mình, từng hành vi, lời nói của thẩm phán, cán bộ tòa án khi tác nghiệp phải đúng theo nội dung, trình tự pháp luật quy định và Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TAND, Quy chế văn hóa công sở. Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND phải thông suốt phương châm “Gần dân, hiểu dân” để đạt được mục đích “giúp dân, học dân” thông qua hoạt động tố tụng tư pháp, xuyên suốt từ giai đoạn tiếp dân, giải quyết đơn đến giai đoạn xét xử các loại vụ án và công tác thi hành án hình sự.

Công tác hòa giải được tòa chú trọng như thế nào, thưa ông?

Nhiều vụ việc giải quyết tranh chấp thẩm phán đã hòa giải thành nhờ việc nắm vững đặc điểm tranh chấp qua cung cấp của chính quyền địa phương, tâm lý vùng miền hoặc nhận được sự phối hợp hiệu quả của UBND các xã, thị trấn. Với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, trong quá trình giải quyết, thẩm phán tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật, sưu tầm các bản án, quyết định có dạng tranh chấp tương tự của cơ quan cũng như tòa án cấp trên để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, tiếp xúc với các bên đương sự để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và quan điểm của họ để đưa ra phương pháp hòa giải. Ví dụ, đối với vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, khi hòa giải, thẩm phán lấy ví dụ về những vụ việc tương tự đã được hòa giải thành tại TAND huyện Hoài Đức và nhấn mạnh ý nghĩa của việc hòa giải thành, cộng thêm sự tác động của cán bộ địa phương khi cùng tòa đi thẩm định, xem xét tại chỗ mà khoảng 80 vụ việc về tranh chấp hợp đồng tín dụng đã được TAND huyện Hoài Đức hòa giải thành.

Cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình đón xuân vui tươi. Chúc TAND huyện Hoài Đức bước vào một năm mới thành công hơn nữa!

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-bo-tand-huyen-hoai-duc-phung-cong-thu-phap-chi-cong-vo-tu-227334.html