Cần bổ sung cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp

Thời gian qua, tại một số địa phương có tình trạng tồn đọng thông tin trong việc xây dựng Cơ sở Dữ liệu lý lịch tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, với vai trò là Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành nhiều văn bản, đề án hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ quan Tư pháp địa phương. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật.

Đối với việc quy định biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp, trong đó có Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, tại Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” có quy định, đối với 05 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ được thành lập Phòng Lý lịch tư pháp và về biên chế, bảo đảm có ít nhất 07 công chức để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, ngày 09/3/2015, Bộ Tư pháp đã có Chỉ thị số 02/CT-BTP về việc tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở Dữ liệu lý lịch tư pháp trong đó có giải pháp kiện toàn, bổ sung cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định về quản lý biên chế công chức thì việc xây dựng, thẩm định và phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính của địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngchỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng số lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn để xem xét, cân đối từ nguồn biên chế được giao của tỉnh trên cơ sở đó có kế hoạch, giải pháp cụ thể để bố trí, kiện toàn biên chế của các cơ quan Tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước hiện nay, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Tư pháp trên địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ công chức, nhân viên hợp đồng làm công tác lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết,trong những năm vừa qua, chế độ, chính sách đối với cán bộ của các cơ quan Tư pháp đã từng bước được hoàn thiện như quy định về chế độ phụ cấp đối với công chức cơ quan Thi hành án dân sự, công chức của các tổ chức pháp chế, chế độ kinh phí tham gia xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được tăng cường... Trong thời gian tới, Bộ, Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ các cơ quan Tư pháp, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành trong đó có đội ngũ công chức làm công tác lý lịch tư pháp thực sự yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngành và của đất nước.

Hiện nay, việc hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ là không phù hợp. Trong trường hợp địa phương có khối lượng công việc tồn đọng lớn (trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở Dữ liệu lý lịch tư pháp) thì có thể đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện thuê khoán thực hiện nhưng bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu theo quy định.

Được biết, năm 2019, mặc dù hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu Lý lịch Tư pháp được quan tâm, chú trọng; số lượng thông tin được tiếp nhận tăng 14,9%, số lượng thông tin được cập nhật, xử lý và tích hợp vào phần mềm cũng tăng 21,3%; số lượng thông tin còn tồn giảm 35,9 % so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin LLTP chưa được cập nhật ở một số địa phương.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/can-bo-sung-can-bo-lam-cong-tac-ly-lich-tu-phap-495790.html